Thực tế cho thấy, các cơ sở CNNT trên địa bàn của tỉnh phát triển theo hướng tự phát, manh mún nhỏ lẻ; năng lực của các cơ sở công nghiệp (CN) còn yếu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; Sản phẩm CNNT chưa phong phú, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh. Mặt bằng sạch dành cho sản xuất CN còn hạn chế nên chưa thu hút được các doanh nghiệp (DN) ngoài tỉnh đầu tư sản xuất CN trên địa bàn. Chưa xây dựng được các đề án khuyến công điểm, đề án có quy mô lớn để tạo thành các hạt nhân, điểm sáng thúc đẩy kích thích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất CN-TTCN.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn phát triển hạ tầng cho kinh tế cửa khẩu đã thu hút gần 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hơn 12.000 tỷ đồng ngoài ngân sách để tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chú trọng phát triển mạnh CNNT, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm và thu nhập cho người dân của tỉnh. Năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đề xuất hỗ trợ 02 Đề án khuyến công quốc gia, kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng. Tỉnh phê duyệt 11 Đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí thực hiện là 2.010,7 triệu đồng. Đưa sản phẩm CNNT tham dự Hội chợ Công Thương khu vực Tây Nguyên – Kon Tum 2024 tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, tỉnh Lạng Sơn có 02 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu thành tựu, tiềm năng, lợi thế về đầu tư, thương mại, du lịch và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Trong đó có hơn 30 sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu và một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Trà Ô Long, Tinh dầu hồi, Trà diếp cá Lụa Vy, thạch đen, vịt quay, rượu Mẫu Sơn”.
Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ cơ sở CNNT, gắn công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm; Nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Thực hiện sản suất sạch hơn trong CN và TKNL giúp các cơ sở CNNT phát triển bền vững.
Để giúp các cơ sở CNNT của tỉnh sớm tiếp cận nguồn vốn khuyến công phát triển CN, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, theo quy chế quản lý khuyến công trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay thì chương trình đề án khuyến công phải trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 30/11 của năm trước. Do vậy, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt các đề án khuyến công quốc gia sớm để đơn vị thụ hưởng triển khai đề án theo đúng quy định. Với những đề án khuyến công quốc gia không được phê duyệt, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đề xuất Bộ Công Thương sớm thông tin để địa phương có phương án sắp xếp hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển.
Công Chuyền