Sông Nhuệ ra đời nhằm phân lưu cho sông Hồng mùa nước cường, cũng là dòng sông mang nước tưới tiêu cho vùng Hà Đông, Hà Nam trù phú một thủa. Câu hát xưa của nhạc sĩ Lân Tuất "quê hương tôi bên bờ sông Nhuệ nương dâu bãi mía xanh rờn" là thế…
Mỗi một quốc gia đều có một dòng sông mẹ. Nước Nga có dòng Vonga, nước Anh có sông Thêm, Ấn độ có sông Hằng… Cuối năm 2017, tôi có dịp đến bên sông Hằng ở vùng Niu Đêly, chợt giật mình khi thấy dòng sông này hao hao sông Hồng đoạn chảy qua làng tôi thế. Cũng một mặt nước hiền hòa với màu nước hao hao màu da của người nông phu, cũng một con cầu hao hao cầu Thăng Long từ làng tôi nhìn xuống.
Làng tôi bấu vào sông Hồng như đứa con làm nũng luôn ngầy ngà mẹ. Xóm có nhà tôi lại là xóm gần sông nhất. Vào thập niên ba, bốn mươi của thế kỷ trước, nhà bà ngoại tôi nói theo giọng thương nghiệp bây giờ là cửa hàng lớn, gần như một đại lý muối và mắm cho gần nửa phủ Hoài Đức. Có lẽ để thuận tiện cho việc làm ăn nên nhà bà ở địa liền dốc Cầu Binh, ngay sát bến Ngự - di tích có lần nào đấy một vị vua đi kinh lý từng dừng thuyền rồng ở làng tôi. Mỗi khi gió mùa nổi lên bà ngoại tôi lại cất hàng từ những đoàn thuyền chum từ xứ Thanh, Nghệ theo gió nồm về kinh thành. Đến khi toàn quốc kháng chiến năm 46, giặc Pháp tràn tới đốt, phá làng tôi. Mười gian nhà ngói cùng những bể mắm, bể chượp của bà tôi cũng bị thiêu cháy và đập vỡ tan tành. Đất nền bố tôi từ chiến khu về dịp tiếp quản Thủ đô ra làm nhà đã um tùm một vườn chuối cùng cây vòi voi, ké dại.
Tuổi thơ tôi gắn với những gì sông Hồng hào phóng ban phát cho dân làng Chèm. Một dòng sông mênh mang, tháng Năm, tháng Sáu vào mùa nước cường. Mặt sông căng nứt, cuồn cuộn sóng như muốn phá vỡ triền đê mỏng mảnh. Tháng Chạp, dòng sông mềm lại, mặt nước hiền hòa hình giải lụa thô chưa nhuộm. Lũ trẻ con chúng tôi vào hè, ngày một nóng bức ra bấu mình trên cây sung nhà cụ vãi Ngọt để thả mình xuống dòng sông mát rượi bơi lội thỏa thuê, vớt củi rều từ mạn ngược trôi về. Mùa hè là mùa sông Hồng giành cho con trẻ và đàn ông đùa nghịch, vớt củi, thả bè và câu cá. Mùa của cá chiên, cá trầy và nhất là cá nheo, cá ngạnh. Thời gian giáp Tết là mùa những bè lá giong, giang nứa; hoa trái mạn ngược xuôi về trong đó nổi nhất là bưởi Đoan Hùng và cam Tuyên Quang. Ven sông lao xao tiếng người. Đàn ông ra mua giang về cho vợ con luộc, chẻ đan nan may mũ, đàn bà ríu rít quần sắn cao lội ven bờ vừa ti tỉ "anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ. Anh của em yêu quý nhất đời" vừa cọ lá giong, đãi đỗ, giặt quần áo.
Riêng tôi không hiểu vì sao cứ mỗi khi trời xầm xì, ì ùm sấm chớp là tôi lại bỏ công việc chạy ào ra ngồi trên gảnh đỉnh nhìn những tảng mây nặng nề, xám xịt phía đầu trời đang xô về lớp lớp, cùng những lớp sóng sông cuộn lên để chiêm nghiệm một điều gì không rõ về trời đất và dòng sông thân yêu. Người Pháp cho đào sông Nhuệ để tạo ra sự điều hòa cho thủy lưu sông Hồng, giữ an toàn cho hai con đê tả hữu chạy song song. Với cả hai con sông đều thân tình với bao kỷ niệm một thời ấu thơ. Nếu sông Hồng - sông Cái như thân hình người mẹ cho làng tôi bấu vào, ôm ấp thì sông Nhuệ như cánh tay choàng lưng làng xiết nhẹ âu yếm. Với sông Hồng cánh đàn ông, và lũ trẻ con trên bờ chúng tôi tùy từng mùa có thể mang cần ra câu, còn với sông Nhuệ thì vó bè là phương tiện đánh cá hữu hiệu nhất. Hầu như mùa nào đoạn sông Nhuệ chảy qua lưng làng tôi cũng nhan nhản những vó bè bình yêu, kẽo kẹt, nhàn tảng kéo lên buông xuống in hình vào bình minh đỏ, hoàng hôn lam.
Bọn trẻ chúng tôi thì lại mê nhất món câu trạch chấu sông Nhuệ. Một cái cần thật rẻo, cước phải chọn loại dai và săn nhất cùng lưỡi câu to, khỏe. Quăng mồi câu xuống, chúng tôi ngồi thu lu trên bờ, phải thật tinh để biết lúc nào trạch chấu đã đớp mồi. Phải nhanh tay giật cho lưỡi câu đóng, rồi từ từ gò lưng kéo con trạch ham mồi lên. Nếu chậm, trạch tha mồi vào hang trong kè đá, thì đành tiếc rẻ kéo cho đứt để thu được tý cước nào hay tý ấy.
Vào những chiều hè, cứ cách ba hôm là lại có đợt bơm nước sông Nhuệ vào mương dẫn thủy. Lũ chúng tôi lại vác sẵn nơm hau háu nhìn dòng nước tuôn trắng xóa vào mương, đợi khi ngừng bơm là ùa xuống úp cá. Thường lúc đó trăng đã lên, lũ chúng tôi, xì xụp, nghi ngóp chụp nơm xuống dòng nước trong veo. Tháng Năm, tháng Sáu là mùa cá chép sông vào mùa vật đẻ bị cuốn theo nước chảy vào mương…
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy cái mát rượi, đẫy đà của con cá chép quẫy trong tay tôi. Bây giờ, mỗi lần chạm mặt đôi sông quê tôi lại chạnh buồn. Mặt sông Hồng quanh năm co thắt lại vì khan nước, ngay cả vào mùa nước cường tháng năm, không rõ trên thượng nguồn có biến đổi gì mà nước không trôi về khiến sông teo tóp, dòng chảy ậm ạch len qua bãi giữa lâu rồi không được nạo vét như thủa tôi còn nhỏ. Phù xa cố kết lâu năm đã thành đất thịt cứng chắc trên đó lô xô những chiếc nhà nghe nói của dự án nào đó. Dòng sông nhan nhản những xà lan cát tặc lặc lè trôi. Đôi bờ lổn nhổn những đống sỏi, đống cát đen, cát vàng được móc xô bồ, thục mạng, bừa bải từ lòng sông chất lên.
Nước sông Hồng giờ cũng không còn trong lành như xưa. Thấy bảo thượng nguồn nước thải bao nhà máy công nghiệp cứ thản nhiên đổ xuống sông mẹ, khiến cá Anh Vũ tiến vua một thời, rồi cá mòi, cá chiên, con nheo, con ngạnh… cứ khan dần vì nước sông Cái đang tăng độ ô nhiễm…
Còn sông Đào chảy bên lưng làng tôi, dù là khu vực thượng nguồn khi nối với sông Cái giờ chỉ còn toen hoẻn như lạch nước đục ngầu. Công trình "trạm thủy nông Thụy Phương (tên chữ của làng tôi)" và trạm bơm nước vào đồng có lẽ lâu lắm rồi không hoạt động. Dòng chữ đã mờ mịt, những cửa cống, động cơ bằng sắt đã rỉ hoen. Còn con mương loang loáng ánh trăng của tuổi thơ vài chục năm không chứa nước, giờ đã co thắt lại thành con rãnh đầy rác vì bị lấn chiếm và bỏ hoang.
Nghe nói, càng về mạn Hà Đông, Hà Nam, Nhuệ Giang càng bị bức tử bởi nước thải công nghiệp, bởi vấn nạn lấn chiếm khiến nhiều đoạn sông co thắt lại, mặt sông sền sệt màu bùn đen kịt...
Ôi, tự dưng nhớ dòng sông Nhuệ Giang với lời bài hát mượt mà một thủa của Lâm Tuất: "Quê hương tôi bên bờ sông Nhuệ, nương dâu, bãi mía xanh rờn"… n
Nha Trang tháng 11/2019
Theo báo Công Thương