Thứ Sáu, 22/11/2024 00:35:17 GMT+7
Lượt xem: 1656

Tin đăng lúc 29-12-2021

Lào Cai: Chương trình OCOP tạo động lực đánh thức tiềm năng nông sản vùng cao

Lào Cai là mảnh đất vùng cao biên giới có nhiều đặc sản nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ Chương trình OCOP, tiềm năng nông sản địa phương đã được đánh thức, được tạo động lực để vươn ra thị trường các tỉnh trong nước, thậm chí là nước ngoài.
Lào Cai: Chương trình OCOP tạo động lực đánh thức tiềm năng nông sản vùng cao
Ông Chu Hoàng Nguyện - Chi cục trường Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai

Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Lào Cai có 123 sản phẩm OCOP được công nhận 3 đến 4 sao. Các sản phẩm này  là những sản vật, đặc sản địa phương như: Gạo Séng Cù; tương ớt Mường Khương; dưa lưới; bưởi Múc; cá hồi Sapa; thịt lợn sấy; lạp sườn đen sấy gác bếp; các loại tinh dầu sả, quế Bảo Yên; miến sâm; dấm táo mèo,…Chương trình mỗi xã một sản phẩm(OCOP) đã lan tỏa đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch trên toàn tỉnh. Chương trình đã tạo động lực phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản địa phương. Hiện nay, đã hình thành các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Các sản phẩm  được nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, số lượng và sản lượng tăng, có mẫu mã đẹp hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước.

 

Trao đổi với Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, Ông Chu Hoàng Nguyện - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Để có được những kết quả đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai Chương trình như: Thành lập bộ máy quản lý, bổ sung nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, chỉ đạo xây dựng đề án, tổ chức cho các cơ sở sản xuất đăng ký dự thi sản phẩm và đánh giá sản phẩm OCOP thường niên.

 

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, các cơ sở sản xuất, dịch vụ OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với các hộ gia đình để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm, tiêu biểu như: Đối với chè có 4.914ha, 6.033 hộ tham gia; Actiso có 65 ha với 150 hộ tham gia; su su Sapa có 120 ha với 250 hộ tham gia; Tương ớt Mường Khương có 120 ha với 755 hộ tham gia; Miến đao Bản Xèo có 67ha với 250 hộ tham gia; Bưởi Múc có 40 ha với 130 hộ tham gia và Gạo Séng Cù có 400ha với hơn 1200 hộ tham gia,…

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan - Giám đốc HTX Hoa Lợi chia sẻ: Hợp tác xã(HTX) có hai sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP là tương ớt Mường Khương và gạo Séng Cù đạt 3 sao. Nguyên liệu sản xuất hai sản phẩm này đều được thu mua từ vùng trồng tự nhiên tại một số xã của huyện Mường Khương. Bước đầu HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, kết nối được với các doanh nghiệp phân phối ở các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh..., từ đó giúp HTX tập trung vào hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã.

 

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan - Giám đốc HTX Hoa Lợi đang chia sẻ những thuận lợi khi HTX tham gia chương trình OCOP

 

Một trong các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển cho các sản phẩm OCOP đã tạo được điểm nhấn của tỉnh Lào Cai là các chương trình quảng bá, tham gia hội chợ, triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại. Cụ thể, Lào Cai đã tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại 14 Hội trợ triển lãm trong nước và quốc tế; Phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức thành công Hội chợ Nông nghiệp và các sản phẩm OCOP khu vực phía bắc tại Lào Cai năm 2020, thu hút trên 180 tổ chức, doanh nghiệp tham gia với quy mô 300 gian hàng và các khu trưng bày; phối hợp với Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart...Đây là những cánh tay nối dài đưa sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai đến với người tiêu dùng cả nước.

 

 

Ông Nguyễn Hữu Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn đi thăm cơ sở sản xuất gạo Séng Cù

 

Ông Nguyễn Hữu Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Tổ trưởng tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai cho biết: Chương trình OCOP đã giúp cho các chủ thể thay đổi tư duy sản xuất, tư duy kinh doanh; vừa phát huy được lợi thế sản vật ở các địa phương vừa phát huy nội lực của các doanh nghiệp, HTX... Các chủ thể đã nhận thức được tầm quan trọng của việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm đầu vào và đầu ra. Đến nay, toàn tỉnh có 71 doanh nghiệp/HTX với 266 sản phẩm đã gắn tem truy xuất nguồn gốc QR-Code; 60 doanh nghiệp/HTX tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá trên hệ thống...Về cơ bản, Chương trình OCOP đã và đang góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Lào Cai, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.

 

Theo đinh hướng giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án OCOP góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuât" trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Tin rằng, với sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp, Chương trình OCOP tỉnh Lào Cai sẽ còn giành được những thắng lợi mới như những mùa vàng bội thu.

 

Ngọc Minh

 

 

 

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang