Lợi thế logistics
Cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu là cặp cửa khẩu duy nhất giữa Việt Nam với Trung Quốc, hội đủ các loại hình vận tải: đường sắt, đường bộ cao tốc, đường thủy và tương lai gần là đường hàng không. Ðây là cửa ngõ trên bộ phía Tây Bắc, giúp các địa phương trong cả nước thông thương với thị trường rộng lớn miền tây nam Trung Quốc đầy tiềm năng phát triển có sức tiêu thụ hàng hóa nông sản, hải sản lớn. Ðây còn là đường thông thương ngắn nhất, thuận tiện nhất cho tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng và vùng tây nam Trung Quốc nói chung (gồm 12 tỉnh, thành phố với diện tích hơn năm triệu km2 và số dân hơn 300 triệu người) thông ra các cảng biển tới nước thứ ba và ngược lại. Hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là những mặt hàng có tính bổ trợ, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của hai nước. Hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu gồm khoáng sản, cao-su; các mặt hàng nông sản như gạo, đường, cà-phê, nhân hạt điều, gạo,... và các mặt hàng giày dép, bàn ghế... Hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu gồm các loại phân bón, hóa chất, các loại giống cây trồng và máy móc, thiết bị cơ khí...
Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có chủ trương hợp tác xây dựng chiến lược phát triển kinh tế "hai hành lang, một vành đai". Theo đó, hành lang kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh có phạm vi hành lang phía Việt Nam bao gồm các tỉnh, thành phố có quốc lộ 70 chạy qua (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái) và các tỉnh nằm trên quốc lộ 4 và quốc lộ 2 Tuyên Quang và Hà Giang. Kinh nghiệm thực tiễn ở khu kinh tế cửa khẩu cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) gắn liền với hoạt động dịch vụ logistics và có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau (hạ tầng logistics càng phát triển sẽ hỗ trợ lớn cho hoạt động XNK và ngược lại). Ở vị trí cửa ngõ thông thương của các nước ASEAN với Trung Quốc, tỉnh Lào Cai đã và đang nỗ lực tận dụng cơ hội để đẩy mạnh giao thương các sản phẩm hàng hóa với thị trường hàng trăm triệu dân ở phía tây nam Trung Quốc. Theo Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai Nguyễn Ngọc Khải, logistics góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh XNK của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tổ chức hiệu quả khâu vận chuyển, dự trữ cũng như những dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp đó sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí về nhân lực và thời gian, giúp hạ giá thành sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhờ phát huy lợi thế cầu nối thông thương, đẩy mạnh phát triển dịch vụ theo chuỗi logistics, năm 2017, tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu Lào Cai đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn năm 2017 đã lên đến hơn 2.500. Ðáng chú ý, số doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK và cung cấp dịch vụ logistics qua các cửa khẩu ở Lào Cai đã lên đến con số gần 1.000.
Tạo vùng kinh tế động lực, thu hút đầu tư
Trên cơ sở những kết quả đạt được, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 40/2016/QÐ-TTg cho phép tỉnh Lào Cai tiếp tục mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Lào Cai với diện tích sau điều chỉnh là 15.929,8 ha bao gồm nhiều phường, xã thuộc thành phố Lào Cai và một phần các xã của bốn huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương và Si Ma Cai. Theo quyết định nêu trên, KKTCK Lào Cai được tổ chức thành các khu chức năng như Khu phi thuế quan; Khu cửa khẩu; Khu cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Khu giải trí; Khu du lịch; Khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp đặc điểm địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết KKTCK Lào Cai. Có thể nói, việc mở rộng KKTCK sẽ tạo động lực cho Lào Cai phát triển nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới. Tỉnh Lào Cai đã xây dựng Ðề án phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng; áp dụng cơ chế quản lý vận hành khoa học, tiên tiến; chính sách thu hút đầu tư và cung cấp các dịch vụ công hiệu quả.
Về hạ tầng, Lào Cai tập trung xây dựng bốn cụm kinh tế trọng điểm, bao gồm trung tâm quản lý cửa khẩu, một khu thương mại và hai cụm công nghiệp chế xuất phụ trợ. Tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch, di chuyển toàn bộ khu hành chính hiện tại về phía sau (cách biên giới 7 km), dành không gian cho phát triển kinh tế cửa khẩu. Xây dựng khu nhà liên hợp với các trang thiết bị bảo đảm thực hiện tốt chức năng, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, kiểm dịch, miễn thuế. Xây dựng cảng cạn nội địa ICD Phố Mới, kết nối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội, bảo đảm khả năng thông quan hàng hóa đạt công suất từ 130 nghìn đến 300 nghìn TEU/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Xây dựng hai cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải diện tích 304 ha và Ðông Phố Mới diện tích 146 ha, hình thành khu công nghiệp tập trung, phát triển công nghiệp sạch, gia công, tái chế hàng xuất khẩu, kho trung chuyển hàng hóa. Ðiểm nhấn trong hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu là hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) đã ký kết Ðề án Khu hợp tác kinh tế Lào Cai, Việt Nam - Hồng Hà, Trung Quốc. Hiện nay hai bên đang tích cực thúc đẩy xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai - Vân Nam.
Theo hướng đó, Sở Công thương tỉnh Lào Cai và Ty Thương vụ tỉnh Vân Nam đã cụ thể hóa, tạo thuận lợi thông quan tại cửa khẩu như: Cho phép xe tải trọng lớn chở bốn loại trái cây: thanh long, dưa hấu, vải, chuối qua cửa khẩu vẫn được hưởng chính sách biên mậu; kéo dài thời gian thông quan các loại nông sản, thủy sản tại Cửa khẩu Kim Thành từ 8 đến 22 giờ hằng ngày; điều chỉnh giảm từ 10 đến 20% mức phí sử dụng hạ tầng tại cửa khẩu. Công tác xúc tiến XNK được triển khai mạnh mẽ với các hoạt động như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang; Hội nghị kết nối xúc tiến xuất nhập khẩu nông lâm sản; Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung; Hội chợ hàng hóa các quốc gia Nam Á và Hội nghị đầu tư và thương mại tổ chức tại Côn Minh (Trung Quốc)… Hải quan Lào Cai đã thực hiện kê khai hải quan điện tử, hàng hóa XNK được phân luồng xanh, vàng, đỏ. Ðối với luồng xanh hàng hóa được thông quan ngay khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục về tờ khai và nộp thuế; luồng vàng thời gian thực hiện từ 5 đến 10 phút, rút ngắn thời gian thông quan, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp hoạt động XNK tại các cửa khẩu ở Lào Cai.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Ðặng Xuân Phong khẳng định: Ðiểm nhấn chính trong quy hoạch mở rộng KKTCK Lào Cai là tập trung phát triển trọng tâm ở các xã, phường giáp biên giới thuộc thành phố Lào Cai; mở rộng thành phố theo đường biên giới lên huyện Bát Xát tương xứng với quỹ đất và chủ trương phát triển phía bên kia Trung Quốc, phù hợp kết nối giao thông, quy hoạch phát triển các cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu đầu tư, kinh doanh, XNK hàng hóa. Tới đây, hệ thống hạ tầng KKTCK sẽ được bổ sung, hình thành thêm hệ thống logistics, khu vực kho cảng cạn, bến bãi tập kết hàng hóa, các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các khu vực chức năng khác, hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai - Hà Khẩu… để thu hút đầu tư, khai thác các dịch vụ gia công, đóng gói, chế biến, tài chính, vận tải, du lịch…, tạo thành vùng kinh tế động lực, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và thu ngân sách, hướng tới Lào Cai tự chủ cân đối thu chi tại địa phương, có đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Theo báo Nhân dân