Cùng đến tham dự buổi lễ có đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Về phía lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh, các đồng chí Thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ) với tổng khối lượng là 18.000 tấn; có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9000m. Kích thước thân giàn 70,4 x 76 x 9,5m; chiều dài thân giàn 167m; khả năng chất tải 2.995 tấn. Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD.
Báo cáo tại buổi lễ, Tổng giám đốc PV Shipyard Lê Hưng đã tóm tắt sơ lược quá trình thi công lắp đặt giàn Tam Đảo 05 qua những mốc thời gian cụ thể. Ngày 10/12/2013, Giàn khoan Tam Đảo 05 chính thức được khởi công. Ngày 25/10/2014, lắp đặt thành công Ky cho giàn khoan (Keelaying). Ngày 14/8/2015 lắp đặt thành công máy phát chính. Và sau hơn 24 tháng thi công, từ ngày 05/12/2015, Giàn khoan Tam Đảo 05 bắt đầu tiến hành hạ thủy.
Tam Đảo 05 được di chuyển từ vị trí chế tạo đến vị trí sát cầu cảng và được hạ thủy lên sà lan bằng hệ thống kích kéo thủy lực. Quá trình đánh chìm, phóng giàn khoan từ sà lan xuống biển được thực hiện tại khu vực nước sâu cách bãi chế tạo khoảng 15 km. Đến 16h ngày 09/12/2015, Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã được kéo về lại càng PV Shipyard, chính thức đánh dấu sự thành công của quá trình hạ thủy đầy khó khăn và phức tạp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các đại biểu thực hiện nghi lễ hạ thủy Giàn Tam Đảo 05
Thay mặt đơn vị chủ đầu tư Vietsovpetro, Tổng giám đốc Từ Thành Nghĩa chia sẻ những khó khăn mà tổng thầu PV Shipyard và các nhà thầu phụ đã rất nỗ lực để vượt qua, hoàn thành trên 75% tổng khối lượng công việc toàn Dự án. Các mốc tiến độ chính đều đã được PV Shipyard kiểm soát tốt và đạt theo đúng kế hoạch. Về chất lượng, qua quá trình giám sát, Vietsovpetro cũng ghi nhận Dự án đã được thực hiện đúng quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn Quốc tế áp dụng, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đúng theo thiết kế và hợp đồng đã ký.
Trong thời gian tới, Vietsovpetro đề nghị PV Shipyard tiếp tục tập trung cao độ các nguồn lực để thực hiện dự án đúng theo tiến độ và tiêu chuẩn chất lượng đã đặt ra. Vietsovpetro cũng cam kết sẽ tiếp tục giám sát kỹ thuật, hỗ trợ PV Shipyard thực hiện các công tác quan trọng tiếp theo là lắp đặt, tiền chạy thử và chạy thử thiết bị khoan, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ PV Shipyard sớm hoàn thành Dự án. Việc bàn giao sớm trước kế hoạch sẽ giúp Vietsovpetro có thể đưa giàn vào hoạt động từ tháng 10, trước mùa biển động năm 2016.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các đại biểu thực hiện nghi lễ gắn biển
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ sự vui mừng trước những nỗ lực của Tổng thầu PV Shipyard cùng chủ đầu tư Vietsovpetro đã vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành một Dự án lớn mang tầm vóc chiến lược quốc gia. Ngành cơ khí của Việt Nam có xuất phát điểm thấp và còn non trẻ, chính vì thế Đảng và Nhà nước đã, đang, và sẽ luôn coi trọng việc thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp mới mẻ này, đặc biệt là cơ khí chế tạo đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến. Thành công với chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03, và hôm nay là Lễ hạ thủy giàn khoan Tam Đảo 05 là những mốc son đánh dấu bước phát triển, sự trưởng thành mang tính lịch sử của ngành cơ khí còn non trẻ ấy, đặc biệt đối với ngành cơ khí chế tạo công trình dầu khí của Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm của Chính Phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và lãnh đạo Địa phương đối với các Dự án.
Vấn đề an ninh năng lượng không chỉ là nỗi lo của toàn thế giới mà còn là thách thức rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần chủ đạo của thị trường trong nước cho các dạng dịch vụ có khả năng hỗ trợ có hiệu quả cho thăm dò, khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhận chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng dần tỷ lệ nội địa trong một số loại hình dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao theo đúng quan điểm chiến lược đối với lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Trong lời đáp từ Phó Thủ tướng, thay mặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh khẳng định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ luôn bám sát tình hình triển khai dự án, thường xuyên báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đồng thời sẽ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những vấn đề phát sinh để dự án thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh cũng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của tập thể Ban QLDA, tổng thầu PV Shipyard, Vietsovpetro cùng các đơn vị và cá nhân trực tiếp tham gia thi công các dự án, chung tay tạo nên thành công của Dự án Tam Đảo 05. Đồng thời đề nghị Ban quản lý và nhà thầu tiếp tục phát huy thành tích đạt được, không ngừng cải tiến phương thức làm việc, tiếp tục phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, phấn đấu về đích sớm, về đích trước thời hạn để có thể bàn giao giàn vượt tiến độ.
Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh phát biểu tại buổi lễ.
Việc thực hiện thành công Dự án đóng mới Giàn khoan tự nâng 120m nước Tam Đảo 05 mang mục tiêu chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là có thể chủ động trong việc thực hiện các chương trình khoan tìm kiếm, thăm dò và khai thác đồng thời giảm tỷ trọng nhập khẩu, tạo cơ hội phát triển ngành nghề, tiến tới cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới. Thêm vào đó, sự thành công của Dự án còn là minh chứng cho sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, lao động kỹ thuật của ngành cơ khí Việt Nam nói chung và của ngành Dầu khí nói riêng; đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, cán bộ thiết kế khi toàn bộ công tác thiết kế chi tiết được thực hiện tại chỗ.
Với những kiến thức, kinh nghiệm và bài học đã tích lũy được, cùng với đội ngũ nhân lực đã có kinh nghiệm, đã được đào tạo và hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư chuyên sâu cho lĩnh vực đóng giàn khoan, tin rằng đội ngũ lao động Dầu khí Việt Nam sẽ nhanh chóng làm chủ kỹ thuật công nghệ chế tạo giàn khoan, đủ năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Nguyên Phương/Petrovietnam