Chú trọng nội địa
Ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, cho đến thời điểm này, có thể khẳng định sản lượng vải thiều năm nay sẽ tăng cao so với năm ngoái. Do đặc thù tính thời vụ cao, tỉnh Bắc Giang xác định việc tiêu thụ vải thiều sẽ gặp khó khăn, bởi thời gian thu hoạch ngắn, khó cho khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang vẫn kiên định với mục tiêu chỉ đạo người nông dân thực hiện sản xuất theo hướng sạch, áp dụng VietGAP, GlobalGAP để giữ được chất lượng và độ an toàn của quả vải. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ quả vải ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu (XK).
Cụ thể, tại thị trường nội địa, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Diễn đàn về vải thiểu và 52 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang trong hai ngày 7 và 8-6-2018 và Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tại Hà Nội từ 27-6-2018. Bên cạnh đó phối hợp UBND TP Hà Nội ký kết kế hoạch hợp tác liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa Hà Nội và Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Bắc Giang cũng sẽ tổ chức chợ vải thiều tại Trung tâm Triển lãm nông nghiệp (đường Hoàng Quốc Việt – quận Cầu Giấy). Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức để thúc đẩy quảng bá vải thiều đến người dân Thủ đô.
Cùng với các tỉnh phía Bắc, Bắc Giang sẽ phối hợp các tỉnh phía Nam để đưa vải thiều vào các chợ lớn khu vực phía Nam để nâng cao sản lượng tiêu thụ. Dự kiến, lượng tiêu thụ nội địa trong năm nay sẽ lên đến hơn 50% tổng sản lượng quả vải.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Song song với việc tiêu thụ nội địa, Bắc Giang đang nỗ lực tìm các giải pháp để đẩy mạnh XK sản phẩm này. Ông Dương Văn Thái cho biết: “Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Trung Quốc dự kiến sẽ được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức vào hai ngày 23 và 24-5-2018 nhằm đẩy mạnh XK vải thiều sang thị trường truyền thống và có thế mạnh này. Bên cạnh đó, Bắc Giang sẽ phối hợp các cơ quan chức năng của nước bạn để giới thiệu, gặp gỡ, kết nối với các hiệp hội, DN, thương nhân kinh doanh hoa quả, thông qua đó xúc tiến tiêu thụ sản phẩm một cách kịp thời. Đồng thời, các cơ quan chức năng cửa khẩu hai bên cũng đã bàn bạc, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, kiểm dịch, thông quan, lưu giữ hàng hóa… Thường xuyên giữ mối liên hệ để kịp thời thông tin cho nhau về những thay đổi của chính sách biên mậu”.
Riêng với thị trường Trung Quốc, tại Hội nghị thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc niên vụ 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Bộ đã cử người sang Quảng Tây để tìm hiểu thông tin nhằm cung cấp cho người dân và các tỉnh. Bộ cũng khuyến cáo các địa phương không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân; được mùa nhưng không được mất giá”.
Cùng với Trung Quốc, vải thiều cũng sẽ được xúc tiến đưa sang các nước ASEAN và các thị trường có đòi hỏi cao hơn về chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Tuy nhiên, Bắc Giang cũng xác định, tiếp cận các thị trường mới, nhất là các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản là rất khó khăn bởi những hàng rào kỹ thuật, quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, chiếu xạ, kiểm dịch, tem nhãn truy suất nguồn gốc. Chưa kể, từ ngày 1-4-2018, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã yêu cầu cao về chất lượng, tem nhãn và truy suất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Điều này cũng gây thêm khó khăn cho hoạt động XK quả vải của Bắc Giang tới thị trường truyền thống và lớn nhất của quả vải.
Trong khi đó, đặc trưng của vải thiều là bảo quản khó khăn. Khâu bảo quản vải thiều đang được thực hiện bằng cách ướp trong thùng xốp lạnh, nên khó XK sang các thị trường xa. Nếu XK sang các thị trường này, vải thiều buộc phải đi bằng đường hàng không, đẩy giá thành vận chuyển cao, làm giảm sức cạnh tranh. Để khắc phục khó khăn này, tỉnh Bắc Giang phối hợp Công ty Juran (Israel) triển khai công nghệ bảo quản quả vải. Dự kiến tháng 5 tới, dây chuyền công nghệ bảo quản này sẽ được lắp đặt và sản phẩm vải thiều sẽ bảo quản được khoảng năm tuần, thuận lợi trong việc đưa ra các thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đồng thời, khoảng thời gian này cũng sẽ giúp quả vải có thể được vận chuyển bằng tàu biển, thay vì máy bay, từ đó tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Ngoài ra, công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bao bì, tem nhãn để nhận biết, truy suất nguồn gốc, xuất xứ cũng sẽ được tỉnh Bắc Giang chú trọng triển khai. Kinh nghiệm năm 2017 cho thấy, vải thiều Bắc Giang được đóng hộp, đóng túi đẹp, có tem nhãn để truy suất nguồn gốc được bán tại Thái-lan, Malaysia, Nhật Bản có giá bán cao cao gấp từ ba đến năm lần (từ 120 – 300 nghìn đồng/kg) so với các sản phẩm không được đầu tư bao bì. Do đó, Bắc Giang xác định đây là khâu quan trọng tạo nên thương hiệu và nâng cao giá trị quả vải thiều.
Năm 2017 được coi là năm bội thu của vải thiều Bắc Giang với giá trị sản xuất vải thiều toàn tỉnh đạt 3.800 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động sản xuất tiêu thụ vải thiều đạt 4.000 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ 1.500 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu từ vải thiều đạt 5.300 tỷ đồng. Trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 90 triệu USD. |
Nguồn Báo Nhân dân