Tết là phải có bánh chưng, bánh tét, thế nhưng dù là Tết nay hay Tết xưa, phong tục lì xì, hay mừng tuổi đầu năm vẫn luôn được gìn giữ và trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân Việt Nam.
“Bấm nút” mừng tuổi
Theo phong tục của người Việt, bắt đầu từ thời khắc Giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ. Những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại.
Số tiền bên trong ít nhiều không quan trọng, quan trọng là lấy hên. Bởi, ý nghĩa của những chiếc bao lì xì là gắn kết mọi người với nhau hơn, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn.
Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, cách đón Tết của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, cũng tác động đến hình thức mừng tuổi: Thay vì "trao tay tiền mặt", lì xì được chuyển từ smartphone này sang smartphone khác.
Ngoài ví điện tử, một số nhà mạng di động cũng hỗ trợ thuê bao lì xì trực tuyến bằng cách chuyển tiền cho số điện thoại di động như: Viettel, MobiFone… Cách thức lì xì này chỉ dành cho các thuê bao trả trước, dùng số tiền hiện có trong tài khoản để mừng tuổi cho các thuê bao di động khác, kể cả thuê bao khác nhà mạng. Khách hàng được chuyển tiền không giới hạn tới thuê bao khác kèm theo lời chúc tốt đẹp và vô cùng ý nghĩa như một món quà dành tặng cho người thân và bạn bè của mình nhân dịp ngày tết truyền thống.
Số tiền lì xì trực tuyến không nhiều. Trên thực tế, người nhận cũng không đặt nặng tiền nhận được thông qua hình thức này. Số tiền mừng tuổi có thể tính đến từng số lẻ, người dùng thường gửi số tiền mà khi phát âm, thể hiện được ý nghĩa lời chúc. Ví dụ, số 69 xét theo phong thủy có ý nghĩa là "Đắc lộc trường cửu", chủ nhân sở hữu con số này sẽ gặp nhiều tài lộc và phú quý, may mắn; số 79 có ý nghĩa là thần tài may mắn. Do đó, khách hàng thường đề xuất gửi nhiều nhất là 69 nghìn đồng và 79 nghìn đồng… Hay có thể chọn các số đẹp, dãy số mang lại may mắn, ví dụ 12.345 đồng, 99.999 đồng…
Ngoài ra, hình thức lì xì trực tuyến được đánh giá cao nhờ chuyển tải thông điệp, gắn kết các mối quan hệ trong xã hội. Ví dụ, trên ứng dụng MoMo, mỗi loại phong bao lì xì sẽ có nội dung chúc Tết khác nhau. Ví dụ, chúc đồng nghiệp thì MoMo sẽ có lời chúc như “Tết tưng bừng, xuân sung sức” hoặc “Nhận được lì xì nhớ selfie nha!”… Chúc cho bạn bè có những lời chúc như: “Lì xì liền tay, thi cử thật may” hoặc “Tiễn năm cũ, tiền về như lũ”.
Truyền thống có dần mai một?
Việt Nam không phải là nước đầu tiên hướng đến xu hướng lì xì qua ví điện tử, mà các nước khác trên thế giới như Trung Quốc cũng có phong tục mừng tuổi mỗi khi Tết đến xuân về đã triển khai hình thức này trong vài năm trở lại đây và được người dùng đón nhận nồng nhiệt. Chẳng hạn, ứng dụng Wechat của Tencent ra mắt chức năng lì xì trực tuyến, liên kết với Wechat Pay từ năm 2014.
Lì xì truyền thống và lỳ xì qua ví điện tử sẽ song hành cùng nhau trong các năm tới
Một số ví điện tử còn hỗ trợ lì xì bằng cách quét mã QR (mã phản ứng nhanh) giúp người dùng trực tiếp gửi tiền lì xì cho nhau. Cụ thể, các bao lì xì sẽ được tích hợp QR code, cho phép người dùng vẫn tặng nhau các bao truyền thống, trong khi số tiền sẽ chuyển qua ví điện tử.
Hiện nay, các ví điện tử phổ biến ở Việt Nam đều có tính năng quét mã QR để thanh toán các khoản tiền mua sắm, ăn uống… nhưng vẫn chưa hỗ trợ việc lì xì bằng cách quét mã QR. Tuy nhiên, hình thức lì xì này đã được thấy qua một số đám cưới nổi tiếng trên mạng xã hội cách đây không lâu. Cách này được cho là thuận tiện với những người không thể dự đám, lại vừa "hợp thời".
Theo khẳng định của các chuyên gia, lì xì online sẽ trở nên phổ biến bởi tính tiện lợi, an toàn và đặc trưng Tết cổ truyền. Ngoài ra, hình thức này phù hợp với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Về bản chất, hình thức lì xì online cũng là một giao dịch chuyển tiền điện tử. Khi cảm nhận những điểm cộng về mức độ thuận tiện, tốc độ giao dịch cũng như tính an toàn, bảo mật của ví điện tử thì người dùng sẽ không ngần ngại sử dụng dịch vụ này.
Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội của hoạt động này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo, cho biết: “2020 là năm thứ ba chúng tôi tung ra chức năng lì xì 4.0 sau khi nhận phản hồi tích cực từ khách hàng và lượng tương tác đông đảo của người dùng trong 2 năm trước”.
Thông qua các phản hồi tích cực của khách hàng và các nghiên cứu thị trường, MoMo đã mạnh dạn tung ra chức năng lì xì online để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đồng thời mong muốn giúp thúc đẩy và hình thành thói quen không dùng tiền mặt đối với các hoạt động hàng ngày.
Nhận xét về hình thức lì xì online, ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc Marketing công ty Appota, đơn vị chuyên nghiên cứu hành vi người dùng điện thoại thông minh cho biết: “Lì xì truyền thống và lì xì qua ví điện tử sẽ song hành cùng nhau trong các năm tới. Đối tượng của lì xì online sẽ là nhóm người hoàn toàn riêng biệt, đó sẽ là tập giới trẻ và nhân viên văn phòng, những người sở hữu điện thoại di động thông minh, có khả năng thanh toán và luôn đón đầu các xu hướng mới. Bên cạnh đó, lì xì online đang tạo ra nhiều tiện ích vượt trội dễ dàng, mọi lúc mọi nơi, lì xì theo nhóm, hạn chế những phiền toái của việc đổi tiền lẻ, tiền mới vào các dịp năm mới”.
Theo Thời báo Kinh tế