ĐBSCL phong phú một tiềm năng du lịch
Với đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000 km, là vùng đất duy nhất của nước ta có vị trí vừa giáp biển Đông, vừa giáp biển Tây với bờ biển dài hơn 750 km; có các đảo nổi tiếng như Phú Quốc được ví như một Singapore của Việt Nam; có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo; ĐBSCL là vùng đất giầu tiềm năng du lịch, không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là nơi hội tụ của kho tàng văn hóa giầu bản sắc; có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống… đến du lịch biển đảo chất lượng cao và có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP.HCM, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Chảy qua 6 nước, dòng Mê Kông huyền thoại mang theo những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa thiên nhiên đa sắc mầu, đã kết nối một không gian du lịch kỳ bí. Nét hoang sơ cổ kính của mảnh đất triệu voi, sự bí ẩn của xứ sở Myamar với những ngôi đền cổ tích, sự kỳ vĩ của đất nước Chùa Tháp và trải dài một dẫy đồng bằng của đất Chín Rồng - Việt Nam với nền “văn minh sông nước, miệt vườn” lại có núi non, biển đảo… Tất cả đã họa nên “bức tranh” tổng thể đa sắc mầu, thực sự hấp dẫn cho những tour du lịch “Bốn quốc gia-một điểm đến”.
Du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long
Du lịch ĐBSCL với không ít hoạt động khả thi nhưng...
Có thể nói, nhiều năm trở lại đây, nhận thức về mối liên kết vùng của các tỉnh, thành ở ĐBSCL đã được nâng tầm rõ rệt, coi liên kết vùng là “chìa khóa” mở ra sự phát triển, đã ký kết hợp tác với nhau, trong đó với cả TP.HCM để thực hiện nhiều chương trình hợp tác du lịch, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch chung. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy sự liên kết này. Nhiều địa phương và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm, các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh, thành. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động du lịch nơi đây vẫn còn tiềm ẩn không ít “vấn đề” cần được khắc phục. Đó là, Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 cũng đã vạch ra hướng nhưng thực tế hành động còn rời rạc, phát triển du lịch vùng chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, sự cam kết…, thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa. Cách làm du lịch vẫn nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch chủ yếu vẫn dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các liên kết, hợp tác diễn ra chủ yếu giữa chính quyền và cơ quan quản lý, hoạt động thực sự giữa các doanh nghiệp du lịch chưa nhiều; thương hiệu du lịch ĐBSCL và từng địa phương chưa được quan tâm đầu tư tương xứng… Trong khi nhu cầu cần hiện nay là phải có những cơ chế chính sách tốt để thúc đẩy liên kết, có sự “phân công, phân vai” rõ ràng giữa các địa phương trong vùng, cộng hưởng với sức mạnh tổng hợp của cộng đồng doanh nghiệp, đầu tư có mục tiêu ưu tiên để phát triển hạ tầng du lịch, từ hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú đến các điểm thăm quan du lịch, tạo sức hấp dẫn cấp vùng, cấp quốc gia, trở thành điểm đến trong chuỗi liên hoàn với các nước trong khu vực.
Liên kết vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng “lợi thế chung” được triển khai là mong ước chính đáng của các tỉnh, thành phố; Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực du lịch đang được xem là bài toán chưa tìm được lời giải, đây là hai khâu yếu nhất hiện nay. Để tìm ra “chìa khóa” mở cửa “kho báu” du lịch ĐBSCL thì cần tập trung dồn nhiều tâm sức, cần xúc tiến mạnh hơn nữa các dự án du lịch cấp quốc gia trên địa bàn và lựa chọn một số khu, điểm du lịch quốc gia để làm hạt nhân, làm động lực phát triển và hội nhập với quốc tế. Chú trọng đầu tư đối với những dự án du lịch có khả năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh và đặc biệt cần quan tâm và có những cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư ở những khu, điểm du lịch. Bên cạnh đầu tư trực tiếp của ngành du lịch, thì các ngành: Giao thông, Công nghiệp, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cần hỗ trợ liên kết trong phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp các công trình dịch vụ công cộng… Ngoài ra, để du lịch ĐBSCL phát triển, thì giữa các tỉnh, thành phố trong vùng cần xây dựng một cơ chế đồng bộ hiệu quả, đồng thời tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực GMS và mối quan hệ hợp tác đó cần được nâng lên tầng cao mới, trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên.
Liên kết vùng không chỉ cho ĐBSCL mà còn cho TP.HCM, miền Đông Nam Bộ kết nối liên vùng khác và là cơ sở tạo thêm sức mạnh để tăng cường hợp tác du lịch trong GMS, hướng đến một thị trường chung trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Vì thế, phát triển du lịch “Bốn quốc gia - Một điểm đến” là đường đi ngắn nhất đưa du lịch Việt Nam đến thị trường các quốc gia Đông Nam Á.
Anh Thư