Đồng thời, cũng với tinh thần đó, chúng ta sẽ tiếp tục vững bước sang năm 2023, một năm được dự báo là đầy khó khăn, thử thách, nhưng chắc chắn cũng sẽ không thiếu những cơ hội.
Thị trường đảo chiều, doanh nghiệp khó
9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 8,83%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%. Chúng ta đã đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, đây là một thành công, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng cả nước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói nền kinh tế trong 9 tháng qua có nhiều điểm sáng, tuy nhiên chúng ta cần nhận diện các khó khăn, thách thức đang và sẽ phải đối mặt. Đó là hệ lụy của dịch Covid-19; khủng hoảng Nga-Ukraine; Fed và Ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước đạt 35 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi tháng đạt 3,7 – 3,8 tỷ USD, nhưng dự kiến 3 tháng cuối năm bình quân chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1 – 3,2 tỷ USD/tháng do lo ngại lạm phát, tồn kho tăng cao tại nhiều thị trường lớn. Dù vậy, chúng ta cũng kỳ vọng ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43 – 44 tỷ USD trong cả năm.
Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong 9 tháng qua là giai đoạn mà những thuận lợi và khó khăn đan xen. Bất ổn về thị trường do dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine gần như không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn. Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng rất thuận lợi với doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đã vượt kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, ngay từ những tháng đầu của quý 2, Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã nhận định, dự báo tình hình thị trường sẽ diễn biến xấu trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là quý 4 và đã có những định hướng cho các đơn vị sản xuất từ khá sớm. Đây là một trong những yếu tố giúp kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 vẫn tương đối khả quan. Doanh thu hợp nhất 9 tháng ước đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 1.150 tỷ đồng, cao hơn 24% so với kế hoạch. Tuy nhiên, ngay trong tháng 9, những dự báo thị trường bất lợi trước đó đã thực sự xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4 chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn.
Với ngành Sợi, ba tháng cuối năm sẽ đối mặt với những diễn biến rất bất lợi. Ngay từ đầu năm, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra khiến tình hình thế giới bất ổn, giá dầu tăng đột biến thì giá bông nguyên liệu và giá sợi thành phẩm đã có những diễn biến trái chiều. Giá bông nhập khẩu tại thị trường Việt Nam liên tục tăng, giá bông tháng 9 tăng khoảng 46% so với thời điểm đầu năm 2022. Trong khi giá sợi xuất khẩu trung bình của Việt Nam có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 5 năm 2022, hiện ở quanh mức 2,8 USD/kg sợi, giảm 15% so với thời điểm đầu năm 2022. Đỉnh điểm là thời điểm tháng 9 năm 2022, giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị trong Tập đoàn và giá bán sợi trung bình đã ngang bằng nhau, doanh nghiệp lỗ toàn bộ phần biến phí. Dự báo, trong các tháng cuối năm 2022, giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn tiếp tục cao do đã mua tại thời điểm giá bông đang đạt đỉnh, trong khi tình hình thị trường sợi vẫn ảm đạm. Các đơn vị sản xuất sợi gần như chắc chắn phải lường trước khả năng lượng sợi tồn kho tăng cao, lỗ rất sâu, các đơn vị phải cân nhắc giảm sản xuất hoặc dừng sản xuất có lựa chọn.
Các đơn vị sản xuất may cơ bản thuận lợi trong 9 tháng, xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng KNXK hàng may mặc của Tập đoàn đạt 1.401 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, từ tháng 8 đơn hàng may giảm xuống do cầu thế giới giảm, đặc biệt là tại 2 thị trường Mỹ và EU là những thị trường chính của dệt may Việt Nam, giá giảm khoảng 30%, tiến độ cung ứng NPL chậm dưới tác động của chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, khủng hoảng logistics, lao động biến động… Thị trường may được dự báo sẽ trầm lắng hết quý 4 và kéo dài sang năm 2023. Dự kiến quý 4, doanh thu ngành may sẽ chững lại, chỉ bằng 20% kim ngạch xuất khẩu dự kiến cả năm (1.765 triệu USD).
Bên cạnh đó, thị trường tài chính tiền tệ cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng khoảng 15 điểm lên quanh mức 23.715 VNĐ/USD, mất giá 3,8% so với đồng USD, nhưng đây là mức thấp nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may, đồng nghĩa với việc các DN xuất khẩu dệt may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá. Dự báo trong những tháng cuối năm 2022, tỷ giá USD tiếp tục tăng khoảng 4% so với đầu năm (lên mức 23.900-24.000 VNĐ/USD). Lãi suất cho vay đồng USD cuối năm 2022 cũng được dự báo tăng 0,5 – 1%, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn lên 5 – 5,5%. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam kỳ hạn 6 tháng hiện nay của các NHTM đang giao dịch quanh mức 8,5 – 9%, cuối năm 2022 dự kiến cũng sẽ tăng thêm 0,5%-1% so với hiện nay, duy trì ở mức khoảng 9% đến 10%. Với mức tăng tỷ giá và lãi suất như hiện nay, dự tính chi phí tài chính của các doanh nghiệp Tập đoàn trong năm 2022 tăng khoảng 100 tỷ so với 2021.
Nỗ lực ứng phó
Trước những nhận định không mấy khả quan như vậy, các doanh nghiệp trong Tập đoàn cần thận trọng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh để có thể ứng biến nhịp nhàng với tình hình biến động của thị trường. Trong quý 4 năm 2022, các giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh cần linh hoạt, trọng tâm với các lưu ý sau:
Sản phẩm dệt may là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, cũng giống như nhu cầu về lương thực. Việc sản xuất kinh doanh sản phẩm dệt may đôi khi cũng mang tính chất mùa vụ, việc được mùa mất giá và ngược lại không còn quá xa lạ với các doanh nghiệp sản xuất dệt may. Bên cạnh đó, các thông số thị trường không bao giờ là bất biến, bất cứ một yếu tố nào đó thay đổi cũng sẽ kéo theo những hệ quả đối với kết quả sản xuất kinh doanh. Là người quản lý trong lĩnh vực sản xuất, chúng ta cần phải biết nắm bắt, tận dụng tốt những cơ hội thị trường, nhưng đồng thời cũng phải biết dũng cảm chấp nhận những tình huống khó khăn, tiêu cực. Điều quan trọng là chúng ta có đầy đủ thông tin cần thiết để ra quyết định một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác; có đầy đủ nguồn lực để triển khai nhiệm vụ ngay cả trong những điều kiện bất thường; có hệ thống quản trị chặt chẽ, linh hoạt để có thể thay đổi tức thời kế hoạch sản xuất theo các yếu tố thị trường. Và trong những giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay, điều quan trọng nhất là chúng ta cần một người quản lý thông minh, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm.
Trong quý 4 tới, Lãnh đạo, Cơ quan điều hành và các Ban chức năng của Tập đoàn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp để quyết tâm giữ vững những thành quả đã đạt được, đảm bảo mức rủi ro thấp nhất, hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022. Các ban Kinh doanh cũng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin thị trường; tư vấn cho các doanh nghiệp về công nghệ, mặt hàng ưu tiên sản xuất; điều phối việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn.
Nguồn Vinatex.com.vn