Công nghiệp “cải tạo” đất cằn
Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc (Long An) Nguyễn Văn Thiệp cho biết: Cần Giuộc có hơn 9.800 ha đất sản xuất nông nghiệp. Điều kiện tự nhiên chia huyện thành hai vùng sản xuất rất riêng biệt. Vùng thượng có chín xã và một thị trấn với các thế mạnh là nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và công nghiệp. Vùng thượng cơ bản ngăn được mặn, trữ được nước ngọt để trồng lúa hai vụ, trồng màu, chăn nuôi gia súc và gia cầm. Vùng hạ có bảy xã bị ảnh hưởng sáu tháng mặn cho nên chỉ trồng được một vụ lúa năng suất không cao, nuôi thủy sản rất bấp bênh. Đến mùa xâm nhập mặn người dân vùng hạ bỏ nhà đi sang rừng sát huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) chặt và mót củi hoặc đi xứ khác làm thuê kiếm cơm. Hằng năm, đến mùa giáp hạt, tỉnh phải cứu trợ lương thực, giống cây trồng để người dân sản xuất. Ngày Tết gần như không có đối với người dân vùng hạ. Cần Giuộc từng là huyện nghèo nhất của tỉnh Long An.
Thế nhưng, Cần Giuộc lại có vị trí khá “đắc địa” là nằm ngay cửa ngõ Tây Nam Bộ, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 20 km; có quốc lộ 50 và sông Cần Giuộc chạy qua và nối liền TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền tây; có sông Soài Rạp chảy nối liền TP Hồ Chí Minh với Biển Đông… Nhận ra lợi thế phát triển kinh tế, địa phương đã lập tờ trình báo cáo tỉnh xin Trung ương cho phát triển các khu công nghiệp. Kết quả, sau một nhiệm kỳ (2010 - 2015), Cần Giuộc đã bứt phá trở thành huyện điểm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh. Khi Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu và KCN Tân Kim đi vào hoạt động thì: “Vùng nước mặn, phèn chua, bom bừa pháo dội” của Cần Giuộc nhanh chóng thay đổi. Ngành nghề thu hút đầu tư vào hai KCN này đều bảo đảm sản xuất “sạch”, không có nguy cơ gây tổn hại môi trường. Cần Giuộc phát triển công nghiệp chỉ sau các huyện Bến Lức, Đức Hòa và Đức Huệ nhưng đang được ví như “cánh cửa công nghiệp” của tỉnh Long An.
Chìa khóa “cải tạo” thành công vùng đất Cần Giuộc là: Tận dụng lợi thế địa lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư nhưng huyện luôn tuân thủ phương châm: phát triển công nghiệp nhưng không đánh đổi môi trường, Cần Giuộc chọn nhà đầu tư phải cam kết bảo đảm nghề sản xuất không có nguy cơ gây tổn hại môi trường; đối với lĩnh vực nông nghiệp thì phải đi theo hướng công nghệ cao. Năm 2016, KCN Long Hậu (xã Long Hậu) đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết cho hơn 30 nghìn lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh. Thu nhập bình quân của người lao động trong các KCN từ mức 4,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với công nghiệp dịch vụ, thương mại cũng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang và thị trấn Cần Giuộc đã được xếp là đô thị loại 4 trước thời hạn. Thu nhập bình quân của người dân trong toàn huyện đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 8,81% năm 2010 thì nay giảm còn khoảng 2% và đã có tám trong 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kinh tế Cần Giuộc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi cảng quốc tế Long An đi vào hoạt động trong năm 2017. Đây là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực miền nam, có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng từ 30.000 đến 70.000 DWT. Dịch vụ logistics chính thức hoạt động sẽ khai thác được thêm nhiều tiềm năng và lợi thế đường thủy nội địa. Mục tiêu Cần Giuộc phấn đấu đến năm 2020 có 13 trong số 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 18 trên 19 tiêu chí. Thu nhập của người dân nông thôn đạt 68 triệu đồng người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,2%.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An Nguyễn Thanh Nguyên cho biết: Sau hơn 10 năm phát triển công nghiệp, đến nay, Long An có gần 8.190 doanh nghiệp đang hoạt động trong 16 KCN, với tổng vốn đăng ký hơn 192.000 tỷ đồng; 1.317 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 144.566 tỷ đồng; 801 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 5,2 tỷ USD. Công nghiệp phát triển mạnh góp phần chính trong tổng thu ngân sách hơn 9 nghìn tỷ đồng, đạt 112,2% dự toán năm. Doanh nghiệp FDI đang giải quyết việc làm cho hơn 90 nghìn lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh. Long An cũng là vệ tinh của TP Hồ Chí Minh trong việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp sạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 đạt 57.265 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế 9,05%. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,3 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50,7 triệu đồng/người/năm và đã có 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 4% so mức quy định của Trung ương. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của người dân, Long An đang tập trung nhiều giải pháp trong thu hút đầu tư vào công nghiệp và nông nghiệp.
Giải pháp để thu hút đầu tư
Long An đang dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL và đứng thứ 12 trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút vốn FDI, chiếm đến gần 65% tổng số dự án và 34,55% vốn đăng ký FDI đầu tư vào ĐBSCL… Thu hút vốn FDI tăng nhanh đã góp phần tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng chất lượng thu hút chưa cao. Các dự án mang tính lan tỏa, lôi kéo doanh nghiệp trong nước cùng phát triển còn hạn chế, chưa góp phần xây dựng công nghiệp công nghệ cao ở tỉnh. Các dự án đầu tư vào nông nghiệp và dịch vụ thân thiện với môi trường còn ít, nhiều dự án còn gây ô nhiễm, tình hình chuyển giá, né thuế của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh vẫn còn…
Để xây dựng chiến lược thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới, theo các chuyên gia kinh tế, Long An không nên thu hút vốn FDI bằng mọi giá, tránh xung đột giữa các lĩnh vực. Thu hút vốn FDI phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông, các ngành có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ và các ngành dịch vụ cao cấp...; liên kết với các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng biển…
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho biết: Long An định hướng đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, GDP bình quân đạt khoảng 80 triệu đến 85 triệu đồng/người/năm (khoảng 3.800 USD), tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 15%, công nghiệp là 45%, dịch vụ là 40% và phấn đấu trở thành tỉnh đầu tàu kinh tế của khu vực ĐBSCL. Để đạt được mục tiêu đề ra, Long An đang tạo bước đột phát trong thu hút đầu tư bằng cách huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng bền vững. Long An luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu cũng như thực hiện dự án đầu tư; xem khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh.
Nguồn Nhandan.com.vn