Thứ Ba, 17/09/2024 02:30:13 GMT+7
Lượt xem: 243

Tin đăng lúc 01-09-2024

Long An: Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 là cơ sở quan trọng để Long An lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Long An: Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Royal Long An Golf & Villas ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, mục tiêu phấn đấu của tỉnh Long An đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

 

Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

 

Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ...

 

Theo Quy hoạch, cấu trúc không gian tỉnh Long An dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết giữa vùng Đông Nam Bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Các hoạt động kinh tế-xã hội được tổ chức theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế -xã hội, sáu trục động lực”.

 

Cụ thể: Thành phố Tân An là trung tâm chính trị-hành chính-đô thị hạt nhân-đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3-4 bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh; Hành lang phát triển phía Nam bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang qua trục Quốc lộ 50B.

 

Ba vùng kinh tế-xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp bao gồm, các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, thành phố Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa.

 

Vùng đệm sinh thái, bao gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ.

 

Sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3-Vành đai 4 kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ-Thành phố Hồ Chí Minh; kết nối sân bay Quốc tế Long Thành-cảng Long An.

 

Trục động lực quốc lộ 50B kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang. Trục động lực song hành quốc lộ 62, kết nối thành phố Tân An-khu kinh tế cửa khẩu Long An-vùng Đồng Tháp Mười.

 

Trục động lực Mỹ Quý Tây-Lương Hoà-Bình Chánh kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây-vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trục động lực quốc lộ N1 kết nối Long An với vùng Đồng bằng sông Cửu Long-vùng Đông Nam Bộ-vùng Tây Nguyên. Trục động lực Đức Hoà kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hoà, Bến Lức với Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Việc triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh trong thời gian qua đã được cả hệ thống chính trị tỉnh Long An quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Đặc biệt, sau khi tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An (tháng 7/2023), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TU ngày 7/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác triển khai quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND ngày 02/5/202 về Chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Trong chương trình hành động, tỉnh Long An đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai, bao gồm: Phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội; quy hoạch xây dựng vùng huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học...

 

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai Quy hoạch. Đồng thời, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực xã hội trong thực hiện Quy hoạch.

 

Về nguồn lực thực hiện Quy hoạch, chủ trương của tỉnh Long An là huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy “đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội” để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang