Thứ Ba, 15/07/2025 16:17:57 GMT+7
Lượt xem: 198

Tin đăng lúc 15-07-2025

Lồng bàn đan mây: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu kết tinh tinh hoa làng nghề

Năm 2024, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Hà Nội) có 03 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) khu vực phía Bắc. Trong đó, sản phẩm Lồng bàn đan mây của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang là sản phẩm độc đáo, kết tinh tinh hoa nghề mây tre đan Phú Vinh.
Lồng bàn đan mây: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu kết tinh tinh hoa làng nghề
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đặt nhiều tâm huyết vào các tác phẩm mây tre đan, góp phần làm mới các sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Hà Nội) có lịch sử phát triển hơn 400 năm. Sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh đa dạng, độc đáo, khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước và xuất khẩu thành công sang nhiều quốc gia. 

 

Trong năm 2024, làng nghề mây tre đan Phú Vinh có 03 sản phẩm được Bộ Công Thương công nhận là SPCNNTTB khu vực phía Bắc, bao gồm: Hộp vuông đan mây của Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn; Lồng bàn đan mây của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang; Bộ bo đáy dào đan guột của Hộ kinh doanh Vương Văn Mãi. Trong đó, sản phẩm Lồng bàn đan mây kết tinh nhiều lối đan tinh hoa của làng nghề, được nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh dày công thiết kế.

 

Nghệ nhận Nguyễn Văn Tĩnh (Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang) cho biết: Lồng bàn đan mây là sản phẩm của cả làng Phú Vinh. Tuy nhiên, mỗi nhà có cách làm riêng, có nét riêng, hình dáng riêng. Sản phẩm Lồng bàn đan mây của cơ sở chúng tôi được làm theo thiết kế riêng, lối đan riêng. Trước đây, tôi được học mỹ thuật nên việc tạo dáng sản phẩm có nhiều khác biệt. Khi đan, tôi sắp đặt vị trí hoa văn phù hợp, như hoa văn nào cạnh hoa văn nào để các hoa văn tôn nhau lên. Để làm nên sản phẩm Lồng bàn đan mây phải sử dụng hàng chục lối đan khác nhau, trong đó cả những lối đan cổ, trong đó có những lối đan đã dần bị mai một. Ví dụ, núm tay cầm của lồng bàn sử dụng lối đan xiên giống như động tác khâu; lối đan mắt cáo các góc tết, có nhiều kiểu tết chạy xung quanh lồng bàn, khi kết nối các hoa hoa văn sử dụng lối tết vòng tròn quả o, tết vòng tròn sát nhau nhìn giống mang cá nên thường gọi là tết mang cá.

 

 

 

Sản phẩm Lồng bàn đan mây được Bộ Công Thương công nhận là SPCNNTTB khu vực phía Bắc năm 2024

 

“Chúng tôi bắt đầu sản xuất lồng bàn đan mây khoảng 5 năm nay. Để làm ra sản phẩm phải mất 40 công, khá cầu kỳ từ khâu chọn, pha chế nguyên liệu. Sản phẩm được bán chủ yếu ở trong nước, làm quà biếu, đã có nhiều Việt kiều về đặt mua. Sản phẩm có cân nặng từ 1kg -1,5kg, giá bán từ 30 triệu - 50 triệu đồng, tùy kích thước, cân nặng, hoa văn, độ tinh xảo”. 

 

Năm 2024, sản phẩm Lồng bàn đan mây được Bộ Công Thương công nhận là SPCNNTTB. Khi được công nhận là SPCNNNTTB cấp thành phố, cấp khu vực tạo hiệu ứng truyền thông, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm; tạo động lực cho hoạt động sản xuất cũng như hiệu quả bán hàng tốt hơn vì qua các kênh thông tin chính thống tạo niềm tin tưởng cho khách hàng hơn. Vì thế, năm 2025, chúng tôi tiếp tục đăng ký 5 sản phẩm tham gia bình chọn SPCNNTB Thủ đô như: Bộ bình gốm sứ đan mây, đèn đan mây, túi thời trang đan mây,…

 

Ông Tĩnh chía sẻ thêm, thời gian qua, thành phố Hà Nội nhất là Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ chúng tôi tham gia gian hàng miễn phí tại các hội chợ, giúp Công ty quảng bá và mở rộng tiếp cận đối tác, khách hàng ở nhiều địa phương khác nhau. Chúng tôi cũng mong muốn Thành phố, Sở Công Thương tiếp tục quan tâm hơn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế để doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Nhật,…

 

Văn Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang