Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam là quốc gia sản xuất lúa gạo lớn thứ 5 trên thế giới với khoảng 10 triệu tấn trấu được tạo ra mỗi năm thông qua quá trình xay xát. Trấu là nguồn nhiên liệu tái tạo có thể sử dụng để thay thế các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu... Ngoài ra, sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy trấu là tro trấu có hàm lượng silica cao-là nguồn nguyên liệu phụ gia cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại tro trấu vẫn chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả.
Do vậy, dự án sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên từ lúa gạo, tạo thêm động lực để Sanofi Việt Nam thực hiện chuyển đổi lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng sinh khối trấu ở Nhà máy Sanofi Việt Nam. Qua đó, sẽ làm giảm 2,3 nghìn tấn CO2 mỗi năm, giảm 40% chi phí hơi nước và đặc biệt sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng sinh khối trấu trong sản xuất, góp phần phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh tại Việt Nam.
Ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM của GIZ tại Việt Nam cho biết: “Lúa gạo - nguồn năng lượng xanh mới” là một dự án ý nghĩa và sáng tạo. Không chỉ tiên phong sử dụng nguồn năng lượng sạch trong sản xuất, dự án còn khai thác và tận dụng khối lượng lớn vỏ trấu - một nguồn tài nguyên dồi dào tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn tương đồng với mục tiêu của Dự án năng lượng sinh học BEM của GIZ tại Việt Nam.
Phát triển nguồn năng lượng sinh khối trấu thành công sẽ mang lại nguồn năng lượng sinh học bền vững, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có từ lúa gạo, giải quyết bài toán thay thế nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ chuyên môn từ Dự án BEM của GIZ và nỗ lực từ phía Sanofi, dự án sẽ mang lại những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế và môi trường xanh bền vững tại Việt Nam.
Công Vinh