Từ "con đường tơ lụa" trên biển
Gần 400 năm trước, Hội An được xem là thương cảng quan trọng về kinh tế và thương mại của xứ Đàng Trong; một mảnh ghép nối liền với con đường tơ lụa trên biển. Mặt hàng lụa của Hội An từ đó được biết đến rộng rãi khi theo những chuyến hải trình xuất sang các nước Nhật Bản, Trung Hoa và vươn xa tới châu Âu.
Theo sử liệu, nguồn tơ sống của xứ Quảng Nam dưới thời Chúa Nguyễn rất phong phú, dồi dào. Giáo sỹ Alexandre de Rhodes ghé đến Hội An vào mùa đông năm 1624 đã nhìn thấy như vậy và nhận xét, ở xứ Quảng nhiều tơ lụa đến nỗi có thể dùng để bện thuyền và đan lưới.
Hàng năm, tàu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý… đến Hội An để mua tơ sống và các loại lụa, riêng tàu thuyền của Trung Hoa thường chỉ mua tơ sống mang về. Còn người Nhật đến Đàng Trong đầu tiên vì mục đích tơ lụa. Họ dễ dàng mua tơ lụa ở đây hơn nơi khác vì có người Nhật sinh sống, làm ăn buôn bán tại cảng thị Hội An và chính những người Nhật này có thể thu gom tơ sống trước khi tàu của họ cập bến.
Theo dòng lịch sử, nghề truyền thống "xứ sở tằm tang" đất Việt đã mở rộng thị trường giao thương tại cảng Hội An, các làng lụa Nha Xá - Hà Nam, Vạn Phúc, Hà Đông, Duy Xuyên… theo những thuyền buôn cập bến đến các vùng đất mới.
Đưa lụa Việt ra thế giới
Ngày nay, Hội An là điểm đến được yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Làng lụa Hội An là địa chỉ được hầu hết du khách lựa chọn khi tham quan phố cổ. Để nối tiếp mạch nguồn di sản văn hóa thế giới của đô thị cổ Hội An, Làng lụa Hội An là bảo tàng sống về các loại giống tằm, dâu, các công cụ cùng cách thức, kỹ nghệ dệt thủ công. Những tinh hoa lụa Việt Nam như: Lụa Mã Châu, Vạn Phúc, Bảo Lộc, Hà Đông, Chăm Pa đều được giới thiệu. Các làng nghề đều có sản phẩm riêng biệt, mang nhiều nét đặc trưng của mỗi vùng miền, họa tiết, màu sắc, cách phối hợp riêng biệt, tạo nên nền văn hóa lụa tơ tằm phong phú và đa dạng.
Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tơ lụa Quảng Nam - cho hay, Làng lụa Hội An là địa điểm thành công trong việc quảng bá hình ảnh lụa Việt đến với du khách quốc tế. Khách du lịch có thể quan sát cách ươm tằm, dệt lụa, tìm hiểu về nền văn hóa tằm tang và có nhiều lựa chọn cho các sản phẩm đa dạng tại đây. Khách mua tơ lụa chủ yếu đến từ các nước châu Âu như: Anh, Úc, Pháp…
Ông Lê Thái Vũ cho biết thêm, tơ lụa Việt Nam đang khẳng định dần vị thế khi tham gia nhiều sự kiện lớn như: Hiệp hội Tơ lụa châu Á vào năm 2012 tổ chức tại Thái Lan và lần đầu tiên tổ chức Festival tại Việt Nam vào năm 2014; gia nhập Hiệp hội Tơ lụa thế giới thành lập tại Hàng Châu - Trung Quốc. Đồng thời, tổ chức nhiều kỳ Festival tơ lụa Việt Nam và tham gia kết nối tại Festival tơ lụa ở Pháp, Ý, Nhật, Brazil, Thái Lan, Ấn Độ… đây là cơ hội giao thương, liên kết bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa làng nghề, nhất là học hỏi kinh nghiệm hiện đại hóa sản xuất tơ lụa; lấy sản xuất tơ lụa làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế các vùng nông thôn phát triển. Từ đó, bức tranh lụa thế giới sẽ được mở rộng, các làng nghề tơ lụa có cơ hội giao thoa, tiếp xúc và quảng bá tơ lụa Việt, tìm hiểu cách vận hành từ lụa của thế giới mà trước đây mình chưa có.
Đến thời điểm hiện tại, Làng lụa Hội An đã và đang khẳng định được vai trò, vị trí của mình khi chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội, đưa lụa Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Các làng nghề tơ lụa, cơ sở sản xuất, các nhà thiết kế của chúng ta từ chỗ chưa chủ động được đầu ra, thông qua các hội thảo, Festival đã tìm kiếm, liên hệ kết nối được những đối tác uy tín, chất lượng và đầy tiềm năng. |
Theo Báo Công Thương