Chiều 11/11, với 451/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 90,56% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Dự toán thu ngân sách nhà nước hơn 1,62 triệu tỷ đồng
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, dự toán tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620.744 tỷ đồng, trong khi tổng số chi ngân sách nhà nước được xác định là 2.076.244 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa với dự toán mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP); trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng, tương đương 4,18% GDP, bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng, tương đương 0,24% GDP.
Ngoài ra, Quốc hội cũng phê duyệt dự toán tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng.
Cùng với việc thông qua dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho năm tới, Quốc hội quyết định bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 tương ứng 1.707,58 tỷ đồng từ nguồn thu từ Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí đang theo dõi tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam theo kiến nghị của Chính phủ.
Đồng thời, bổ sung 7.265 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho Bộ Giao thông vận tải từ nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ, để bố trí cho 1 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 63/2022/QH15.
Bên cạnh đó, bổ sung 31.392 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài cho Bộ Giao thông vận tải, đồng thời tăng tương ứng bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 để bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho 5 dự án, gồm: 1 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư và 4 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 63/2022/QH15.
Cũng theo Nghị quyết, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của ngân sách trung ương trong nước năm 2022 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 chưa giải ngân đến hết ngày 31/12/2023.
Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương trong năm 2023
Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết định chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.
Từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề từ ngày 1/1/2023 đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.
Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022.
Cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước bảo đảm tính bền vững
Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, khẩn trương xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.
Theo báo Nhân dân