Theo dữ liệu từ Dự án Các-bon toàn cầu (GCP), một dự án nghiên cứu quốc tề về tính bền vững toàn cầu có trụ sở tại Canberra, Australia, lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng 1,7% trong năm 2017 và dự báo có thể tăng tới 2,7% trong năm nay, với mức tăng lượng phát thải khí C02 là 37,1 tỷ tấn. Đánh dấu năm thứ hai liên tiếp lượng phát thải khí C02 toàn cầu gia tăng sau khi ổn định trong giai đoạn 2014-2016.
Bản báo cáo cho biết, lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch cao kỷ lục trong năm nay phần lớn là do tăng sử dụng than đá toàn cầu. Bên cạnh đó, lượng phát thải cũng gia tăng từ hoạt động vận tải, bao gồm cả hàng không.
Bản báo cáo chỉ ra Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Đức, Iran, A-rập Xê-út, Hàn Quốc và Canada là những nước phát thải nhiều nhất. Toàn Liên hiệp châu Âu (EU) đứng ở vị trí thứ ba về lượng phát thải.
“Thật đáng thất vọng khi chứng kiến lượng phát thải C02 từ nhiên liệu hóa thạch tăng trở lại với tốc độ nhanh như trong quá khứ”, Pep Canadell, Giám đốc điều hành của GCP cho biết cùng ngày.
Theo giám đốc GCP, lượng phát thải mạnh khí C02 trong năm 2018 cũng rất có thể sẽ tiếp tục trong năm 2019 khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.
Bản báo cáo cũng xác nhận rằng, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng nóng lên toàn cầu nghiêm trọng nhưng xu thế phát thải vẫn có thể được đảo ngược cho tới năm 2020. |
Nguồn Nhân Dân