Thực phẩm chay “3 không”
Theo Thanh niên, Ở các chợ như Bình Thới (Quận 11), An Sương (Q.12) hay Xóm Chiếu (Q.4), thực phẩm chay khô được đựng trong bao ni lông trắng không nhãn mác hoặc trong các hũ nhựa xỉn màu bám đầy bụi bẩn. Thịt heo, gà, cừu sẽ chay có màu trắng còn riêng thịt bò, dê, cừu chay có màu nâu sậm. Tất cả đều không có nhãn mác, nguồn gốc và hạn sử dụng.
Còn ở chợ Bình Tây (Q.6), các nguyên liệu thực phẩm khô sử dụng trong chế biến các món chay như táo tàu, kim châm, bạch quả, nấm đông cô, hạnh nhân... chất đầy hai bên lối đi, đựng trong bao ni lông loại 20 kg, nhiều loại còn đựng trong thùng không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm. Thịt chay thuộc loại nhất, nhì, ba có giá từ 100.000 - 250.000 đồng/kg.
Khi hỏi mua đồ chay xá của Thái Lan, các tiểu thương cho biết: Hàng xá chỉ có của Trung Quốc. Người mua sỉ từ các nơi và các quán ăn vẫn thích lấy hàng Trung Quốc vì sản phẩm đa dạng, khi ăn có mùi vị y như đồ mặn.
Tại chợ Xóm Củi (Q.8), Xóm Chiếu (Q.4), Thái Bình (Q.1), đồ chay tươi không có nhãn mác cũng bán nhiều: Các loại nem, đậu hũ non, thịt heo quay, chả lụa, chả cá, tàu hũ ky, xúc xích tươi… được bày bán dưới nắng, bụi, gió cả ngày.
Có nơi sản phẩm chỉ đựng trong các mâm nhôm, để la liệt dưới đất, giá bán rẻ bằng phân nửa so với sản phẩm có nhãn mác, lý do theo người bán là vì được sản xuất thủ công tại nhà. Trong khi theo quy định, sản phẩm tươi phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh để tránh tình trạng vi khuẩn phát triển.
Những người ăn chay có xu hướng chọn nấm vì dễ ăn, ngon, nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, trên thị trường nấm hiện nay phần lớn là xuất xứ từ Trung Quốc, thông tin trên sản phẩm rất sơ sài, duy nhất một địa chỉ mail được cho là của nhà phân phối, không hề ghi hạn sử dụng. Sản phẩm lại không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
Tại chợ Căn Cứ (Q.Gò Vấp), nấm được đổ đống trên tấm bạt dưới đất sát mặt đường xe chạy qua lại, nhơ nhớp nước thải. Chúng tôi quan sát thấy có hơn chục loại: nấm rơm, bào ngư trắng, bào ngư xám, bạch tuyết, mùi cua (càng cua), linh chi, kim châm, hải sâm, nấm hương, đông cô, lim xanh… Mặc dù trên bao bì có ghi điều kiện bảo quản từ 1 - 5 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp nhưng các tiểu thương vẫn thản nhiên bày dưới cái nắng chói chang từ sáng đến chiều.
U não do sử dụng phẩm màu tổng hợp
Nguyên liệu chế biến ra các món chay chủ yếu là bột. Để tạo ra độ giòn, dai, có màu sắc như thực phẩm mặn, nhà sản xuất phải cho vào đó nhiều loại phụ gia, phẩm màu, chất tạo mùi, chất định vị, chất bảo quản. Trong đó, hàn the và phẩm màu được lạm dụng nhiều nhất để tạo độ giòn, cứng.
Hàn the có thể giữ nước làm tăng trọng lượng sản phẩm, đặc biệt có tác dụng bảo quản không cho vi khuẩn tấn công. Vậy nên thực phẩm chay tươi như chả lụa, xúc xích, tôm, chả cá, cá viên… phơi cả ngày dưới ánh nắng mà không hề hư hỏng.
BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN cho biết: Trong chế biến thực phẩm tại nước ta, hầu hết các cơ sở sản xuất chế biến nhỏ, lẻ và gia đình đã sử dụng hàn the công nghiệp. Khi ăn sản phẩm có nhiều hàn the sẽ bị ngộ độc với triệu chứng nôn, tiêu chảy, co cứng cơ, gây bệnh khô da, rối loạn dạ dày, thậm chí tử vong nếu trẻ nhỏ ăn khoảng 5 gr và người lớn từ 5 - 20 gr.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Khoa Khoa học và công nghệ, Trường đại học Hoa Sen cho biết, ông đã tiến hành cuộc khảo sát thì thấy hầu hết thực phẩm bày bán trên thị trường hiện nay có sử dụng phẩm màu để trông đẹp mắt, mùi vị thơm ngon hơn.
Những nghiên cứu được công bố gần gây cho thấy sử dụng phẩm màu tổng hợp trong thời gian lâu dài, vượt mức cho phép sẽ có hại cho sức khỏe. Các cuộc nghiên cứu trên động vật tại Mỹ cho thấy việc sử dụng phẩm màu gây u não, ung thư bàng quang, tuyến giáp, khối u ở thận và tuyến thượng thận.
Riêng về các loại thực phẩm chay tươi, nấm, theo quy trình phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 1 - 50C để giữ được dưỡng chất, ngăn vi khuẩn phát triển, hạn sử dụng từ 5 - 7 ngày. Nếu để ở nhiệt độ thường hoặc quá hạn sử dụng, vi khuẩn, vi sinh vật sẽ sinh sôi, phát triển.
Một khi ăn vào có thể gây ngộ độc với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn, nôn, choáng váng… thậm chí tử vong. Một số vi khuẩn sinh ra ngoại độc tố, khi nấu sôi vi khuẩn chết nhưng độc tố của chúng không bị phân hủy, gây ra ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc thường xảy ra muộn sau 24 giờ.
Nguồn VietQ