Nhóm sinh viên Khoa môi trường và tài nguyên, ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng) gồm Lê Kiều Phượng, Trương Minh Quốc, Ngô Thị Thu Thảo đã tạo ra một hệ thống lọc nước biển thông minh bằng công nghệ màng MD.
Phượng là một sinh viên ở vùng quê miền biển tỉnh Cà Mau. Từ nhỏ, cô đã thấy được sự khó khăn của ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Họ phải mang theo những can nước ngọt để phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt cho những ngày lên đênh trên biển. Nhưng nước ngọt không phải lúc nào cũng đủ, và việc mang những can nước lớn lên ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt cá của ngư dân vì nó tốn diện tích.
Thêm nữa nguồn nước biển thì dồi dào nhưng độ mặn quá lớn không thể sử dụng nên nhóm đã nghĩ đến việc “biến” nước biển thành nước ngọt.
Tìm hiểu các tài liệu khoa học, Phượng nhận thấy công nghệ màng MD (Membrane distillation) là một công nghệ mới chưa có nhiều nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam.
Màng MD kỵ nước (hydrophobic) hoạt động dựa trên sự chênh lệch nhiệt độ giữa dòng nóng và dòng lạnh. Màng bên dòng nóng khi được gia nhiệt sẽ ở trạng thái hơi và chỉ cho hơi nước sạch băng qua. Các chất bẩn, vi khuẩn, ion kim loại… sẽ được giữ lại bên kia màng.
Công nghệ màng MD có thể tận dụng các nguồn nhiệt trên tàu biển do đó có thể tiết kiệm được năng lượng trong quá trình lọc. Trong máy lọc nước sẽ có có các module được thiết kế riêng biệt, dễ dàng cho việc lắp ráp, vận hành và bảo trì.
“Sản phẩm hoàn thiện chúng em dự tính với các công suất 20lít/giờ, 40lít/giờ, 80lít/giờ và 100lít/giờ tùy theo quy mô của tàu. Các tàu đánh cá vừa và nhỏ cũng có thể lắp đặt được chứ không chỉ riêng cho những tàu lớn”- Phượng nói.
Tuy nhiên, đến nay sản phẩm của nhóm chưa thể tiến hành thực nghiệm và mới dừng lại ở mô hình. Theo Trương Minh Quốc, thành viên nhóm, đây chính là khó khăn lớn nhất của dự án vì công nghệ lọc MD hiện còn khá mới mẻ nên kinh phí để thực hiện thử nghiệm cũng như thương mại hóa là khá lớn. Nhóm rất cần sự đầu tư của các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này.
Trong thời gian gần nhất nhóm sẽ hoàn thành việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Tiếp đến sẽ tìm vốn hỗ trợ để hoàn thiện 3 máy đầu tiên lắp đặt thử nghiệm tại các vùng biển Ninh Thuận, Quảng Nam để hoàn thiện công nghệ trước khi đem ra thị trường.
Đánh giá về dự án này, TS Nguyễn Công Nguyên, Khoa môi trường và tài nguyên, ĐH Đà Lạt chia sẻ, đây là dự án vừa mang tính cộng đồng vừa mang lại hiệu quả kinh tế và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đầu tư để hoàn thiện công nghệ.
“Tôi đã nhiều năm nghiên cứu về công nghệ màng MD và giải pháp này của nhóm hoàn toàn khả thi và có khả năng thương mại hóa”- TS Nguyên cho biết.
Nguồn Khampha