Nhân dịp khánh thành dự án tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam vào ngày 23/12 vừa qua, Tập đoàn Masan đồng thời giới thiệu ra thị trường thịt heo mát Meat Deli - sản phẩm được chế biến tại đây.
Với giá thành cao hơn khoảng 15% so với thịt thông thường, dòng sản phẩm đã được người tiêu dùng Hà Nội chào đón tích cực. Ghi nhận từ tập đoàn, thịt mát Meat Deli "cháy hàng" tại 37 siêu thị Vinmart và chuỗi các cửa hàng trong hệ thống của Masan ngay trong ngày ra mắt đầu tiên, tổ hợp phải tăng ca để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, nhờ áp dụng nguyên tắc "nhanh - sạch - lạnh" trong cả chuỗi nên khách hàng là người chạm vào miếng thịt đầu tiên và có thể chế biến ngay mà không cần sơ chế lại như các loại thịt nóng hay đông lạnh khác. Thịt heo mát Meat Deli có hạn sử dụng trong vòng 5 ngày, các bà nội trợ có thể yên tâm mua trữ sẵn cho ngày Tết mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Đại diện Tập đoàn Masan cho biết, kỳ vọng nhất của đơn vị khi tung ra dòng sản phẩm này là có thể tạo ra xu hướng mới trong việc sử dụng thịt của người tiêu dùng Việt Nam.
"Đó là xu hướng sử dụng thịt mát sạch với tiêu chuẩn chất lượng chuẩn châu Âu, đem lại bữa ăn ngon cho mỗi gia đình, quan trọng hơn cả là sự an tâm, vô lo của mọi người, mọi nhà Việt", vị đại diện nhấn mạnh.
Theo Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mức tiêu thụ thịt ở Việt Nam là 34,2kg thịt xẻ mỗi người một năm, thấp hơn mức trung bình thế giới là 42kg. Hiện tại, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ do người tiêu dùng quan niệm thịt này là tươi ngon nhất. Các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra rằng thịt nóng trong điều kiện khí hậu nước ta ẩn chứa nhiều nguy cơ do hoạt động của vi sinh vật không được kiểm soát chặt chẽ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng thịt heo cần trải qua trọn vẹn quá trình "chín" sinh hóa thường kéo dài 16-24 giờ để đạt độ ngon nhất. Trong điều kiện bình thường, thịt nóng sẽ nhanh chóng bị giảm chất lượng, do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật, enzyme và khó kiểm soát an toàn vệ sinh.
Để thịt trải qua quá trình "chín" sinh hóa mà không sợ vi khuẩn xâm nhập, môi trường bảo quản cần được hạ nhiệt xuống 0-4 độ C. Trong điều kiện đó, vi khuẩn bị kìm hãm, còn thịt nóng từ từ "chín tiếp" và trở thành thịt mát. Hiện thịt mát là sản phẩm quen thuộc tại các nước phát triển và đã có tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào tháng 10/2018.
Là một trong những doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu Việt Nam, từ nhiều năm nay, Masan đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng giải pháp tích hợp hoàn chỉnh nền tảng 3F - "từ trang trại đến bàn ăn". Trong gần 5 năm qua, Masan đầu tư mạnh cho chuỗi chăn nuôi và chế biến khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào của các khâu trong chuỗi giá trị từ con giống, chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ.
Masan khởi đầu chuỗi giá trị thịt bằng chữ "F" đầu tiên: Feed - đại diện cho thức ăn chăn nuôi chất lượng đạt chuẩn. Trong bối cảnh người tiêu dùng lo ngại tình trạng trộn chất tăng trọng, chất tạo nạc và các chất cấm khác vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích tăng trưởng, sản phẩm cám với công nghệ Bio-zeem vừa góp phần cải thiện năng suất ngành thức ăn chăn nuôi lại không chứa chất cấm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Với 12 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc có tiêu chuẩn hàng đầu Việt Nam, doanh nghiệp mang đến hơn 3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm cho những đàn heo ở Nghệ An, Hà Tĩnh...
Sau khi ghi dấu ấn trên thị trường thức ăn chăn nuôi, Masan tiến thêm một bước bằng dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao ở Nghệ An và hoàn thiện miếng ghép thứ hai "F" - Farm. Khởi công xây dựng từ cuối năm 2016, đây chính là trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn Global GAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu). Trang trại với hai phân khu có tổng diện tích 200ha và vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng, có khả năng cung cấp cho thị trường 250.000 con heo mỗi năm.
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos Business Consulting, tổng nguồn cung heo thịt tại Việt Nam ước tính đạt khoảng 41 triệu con trong 2018. Hơn một nửa số heo này đến từ các trại chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Đó là lý do khiến việc quản lý, kiểm soát về con giống, môi trường, chất lượng thức ăn, dịch bệnh tương đối khó khăn.
Tại trang trại nuôi heo công nghệ cao của Masan, việc chọn lọc khắt khe nguồn heo khỏe và áp dụng công nghệ nuôi heo khép kín theo tiêu chuẩn thế giới đã giúp quá trình chăn nuôi hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện thời tiết lên đàn heo. Ngoài ra, công ty này còn áp dụng tiêu chuẩn Global GAP và hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ trang trại nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt lợn an toàn, tuân thủ quy trình kiểm soát dịch bệnh khắt khe và đảm bảo an toàn sinh học.
Trong tương lai, Masan sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi của trang trại kỹ thuật cao tại Nghệ An cho các hộ chăn nuôi có quy mô, kỹ thuật chăn nuôi tốt, sẵn sàng theo quy chuẩn của Masan. Mô hình này cho phép cung cấp nguồn heo hơi ổn định, đảm bảo chất lượng và không sử dụng chất cấm cho tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam. Đây chính là chữ "F" cuối cùng - Food giúp doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi giá trị đạm động vật dựa trên mô hình 3F.
Tổ hợp trang bị dây chuyền thiết bị đồng bộ, tiên tiến hiện nay, do Marel - công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giết mổ, chế biến thịt của Hà Lan cung cấp. Toàn bộ quy trình sản xuất theo công nghệ thịt mát từ châu Âu và do chính các chuyên gia giàu kinh nghiệm của EU trực tiếp vận hành, giám sát và kiểm nghiệm. Nhà máy sẽ được vận hành theo tiêu chuẩn BRC - tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về an toàn thực phẩm.
Nguồn VNE