Thiết bị ưu việt cho ngành công nghiệp phụ trợ
Kỹ sư Lê Mạnh Cường, giám đốc công ty Vinasonic, người trực tiếp thiết kế, chế tạo thành công máy rửa siêu âm “Made in Việt Nam” cho biết, máy rửa siêu âm được đánh giá khá cao về khả năng tẩy rửa ưu việt. Máy hoạt động rất đơn giản với cơ chế làm sạch bằng sóng siêu âm. Sóng siêu âm là những dao động ở tần số cao từ 20 đến 70 KHz, tạo nên hàng ngàn bọt khí cực nhỏ len sâu vào từng ngõ ngách của sản phẩm. Khi các bọt khí li ti này vỡ ra sẽ tạo nên nguồn năng lượng khổng lồ giúp đánh bay tất cả mọi vết bẩn dù là loại cứng đầu nhất.
Nhờ vào tác dụng vượt trội mà máy rửa siêu âm được ứng dụng trong khá nhiều lĩnh vực. Nhất là ngành công nghiệp phụ trợ như công nghiệp điện tử, sản xuất các thiết bị cơ khí. Ứng dụng trong vệ sinh thiết bị y tế tại bệnh viện, phòng thí nghiệm hay thậm chí là sử dụng tại nhà.
Ngoài những lợi ích trên thì máy rửa siêu âm còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe người sử dụng, tránh tối đa được việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Với những vết bẩn cứng đầu khó tẩy rửa, nếu rửa bằng tay sẽ phải sử dụng tới hóa chất sẽ ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc rửa bằng tay đối với các sản phẩm có kết cấu phức tạp, kích thước quá nhỏ không thể giúp làm sạch mọi ngõ ngách của sản phẩm được.
Cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa
Có lẽ hiếm ai có niềm đam mê và dấn thân với ngành cơ khí chế tạo như kỹ sư Lê Mạnh Cường. Tới tận văn phòng của công ty được thuê tại một tòa nhà ở Long Biên, Hà Nội mới thấy hết cái tâm huyết của anh với nghề. Trong một không gian chỉ rộng mấy chục mét vuông, anh Cường vừa làm văn phòng giao dịch, vừa làm nơi nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Bước vào văn phòng, ai chưa quen có thể bị “choáng” trước hệ thống máy móc, thiết bị, hóa chất đang nghiên cứu sản xuất… được anh xếp cạnh các hồ sơ, giấy tờ. Việc thiếu thốn mặt bằng, nhà xưởng cho công tác nghiên cứu, chế tạo cũng chính là một khó khăn chung của nhiều cơ sở chế tạo cơ khí nhỏ lẻ tại Việt Nam hiện nay.
Gạt đi những khó khăn, kỹ sư Lê Mạnh Cường chia sẻ cái duyên đưa anh đến công việc này: Đúng 10 năm trước, anh nhận lời làm trưởng đại diện cho hãng Telsonic AG, Thuỵ Sỹ - đơn vị chuyên cung cấp các loại máy rửa siêu âm cho thị trường Việt Nam. Vốn xuất thân là dân cơ khí (anh Cường tốt nghiệp Khoa Cơ khí chế tạo – trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nên “máu” học hỏi, chế tạo các thiết bị cơ khí luôn thường trực. Công việc làm thuê cho nước ngoài rất bận rộn, nhưng mỗi khi rảnh, chàng kỹ sư cơ khí lại mày mò tìm hiểu, đọc sách, tài liệu bằng tiếng Anh và tìm tài liệu cả trên mạng với một mong ước cháy bỏng là có thể tự thiết kế được máy rửa siêu âm “Made in Việt Nam”. Quan trọng hơn, anh có một quyết tâm là phải đưa bằng được công nghệ rửa siêu âm vào Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, kỹ sư Lê Mạnh Cường cũng đã chế tạo thành công máy rửa siêu âm mang thương hiệu Vinasonic Ultrasonic với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%. Hiện chỉ còn một vài chi tiết nhỏ anh vẫn phải nhập khẩu.
Hiện sản phẩm của anh Cường bán ra rẻ hơn 30% đến 40% so với giá thành ngoại nhập từ châu Âu hay Nhật Bản. Trong khi đó, chất lượng của máy là tương đương. Đặc biệt, anh Cường đã nghiên cứu giúp cho chiếc máy dễ vận hành hơn với người Việt. Việc bảo hành, bảo dưỡng cũng tốt hơn vì máy móc, linh kiện thay thế sẵn có.
Việc một sản phẩm cơ khí “Made in Việt Nam” ra đời nhưng câu chuyện để cạnh tranh và bán sản phẩm là không đơn giản. Anh Cường cho biết, ở Việt Nam, với các cơ quan, đơn vị nhà nước, việc đưa được máy vào là rất khó khăn, phần vì tâm lý sính ngoại, phần vì việc đưa sản phẩm vào cần qua rất nhiều khâu để tiếp cận, mất nhiều thời gian cũng như lâu thu hồi vốn.
Là một doanh nghiệp chế tạo cơ khí nhỏ, trong bối cảnh ngành cơ khí chế tạo đang ngày càng gặp khó những năm gần đây, Công ty TNHH Điện SME của anh Cường cũng không ngoại lệ: ít vốn, không được vay vốn ưu đãi, lãi suất thương mại quá cao, không có đất làm nhà xưởng… Theo ghi nhận, trong vòng 5 năm qua, đã có hàng ngàn doanh nghiệp cơ khí nhỏ lẻ bị “mất tích” trên thị trường cũng vì những khó khăn này.
Tuy nhiên, kỹ sư Lê Mạnh Cường vẫn rất tự tin trên con đường mình đam mê và theo đuổi. Anh chia sẻ: Hiện sản phẩm máy rửa siêu âm của anh đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong thời gian tới, anh sẽ cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa của thiết bị lên khoảng 70% và giảm giá thành xuống còn 50% nhằm tăng thêm tính cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử