Có thể thấy, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: cá, hải sản, sữa... .Nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc là rất cao. Thức ăn để trước 6 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn nhưng sau 6 giờ, vi khuẩn đã có thể nhân lên gây ngộ độc…
Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) hiện nay những người trực tiếp chế biến thức ăn và ngay cả người tiêu dùng hầu như đều thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo VSATTP. Thêm vào đó, thức ăn đường phố phần lớn không rõ nguồn gốc; quán xá nằm ở vỉa hè, sát đường giao thông, nếu bụi, nấm mốc và khí thải như xăng dầu nhiễm vào thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc sẽ rất cao.
Người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.
Chọn rau củ quả
Nên chọn rau củ, trái cây còn nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối...
Không nên mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như ngửi có mùi hắc hay còn bám phấn thuốc trên các khe quả. Không nên mua những loại hạt có vỏ nhăn nheo, chỉ nên chọn loại hạt vỏ nhẵn, không mối mọt.Tránh mua rau có rễ bám nhiều đất vì đó là nguồn vi sinh gây hư hỏng nhanh rau quả. Không chọn những loại rau xanh ăn lá (rau muống, cải xoong, tần ô, cải bẹ xanh, rau má, đậu đũa, khổ qua…) quá non, mỡ màng, sạch bóng, trữ nhiều nước.
Chọn thịt
Nên chọn thịt khô ráo không bơm bong nước, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch tuyệt đối không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Đối với cá và hải sản, tốt nhất nên mua cá tôm đang còn sống. Cá tươi có miệng ngậm kín. Thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang có có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Trôn cá thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép.
Chọn tôm tép vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu sò ốc còn sống. Mực nang thì nên chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không quá lớn, chưa túi đen. Các loại thủy sản khác nên chọn loại có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.
Chọn thực phẩm chín
Với thịt chế biến sẵn (như thịt quay) phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Chọn thịt lợn quay, vịt quay có mùi thơm đặc trưng, thớ thịt săn khô dính sát vào da, thịt vẫn còn nóng và treo trong tủ kính.
Không nên mua khi thấy màu da lợn đỏ lòe loẹt, treo lộ thiên, thịt bở, có mùi lạ. Chỉ chọn mua lạp xưởng đựng trong bao bì đã được hút chân không của các nhà sản xuất đáng tin cậy, không nên mua lạp xưởng được treo cả dây, phơi bày ra nắng, gió bụi.
Chọn đồ hộp
Với hộp nắp thiếc, chọn loại nắp hộp hơi lõm vào, gõ vào có tiếng kêu đanh vì kín chân không. Nếu nắp hộ phình ra, gõ vào tiếng kêu bịch bịch thì đồ hộp đã bị hỏng. Chọn thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung: tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất chế biến, có số đăng kí sản xuất và còn thời hạn sử dụng.
Trong thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm đóng gói, thường chứa những loại phụ gia như muối diêm, BHA và BHT..., có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài của bạn. Vì vậy, nên đọc kỹ nhãn mác và mua thực phẩm dùng phụ gia càng ít càng tốt.
Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Theo Thương Thương/nguoitieudung.com.vn