Nghề điêu khắc đá của Bửu Long, tỉnh Đồng Nai không chỉ nổi tiếng trong nước mà ở cả nước ngoài. Những tác phẩm làm từ đá nơi đây đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề truyền thống này ngày càng mai một dần. Nguyên nhân chủ yếu là do lớp người trẻ không còn nhiều người mặn mà theo nghề. Bên cạnh đó, để tăng năng suất, hiện nay nhiều cơ sở nhập khẩu các loại máy móc về sản xuất hàng loạt, nhưng những tác phẩm làm ra thiếu bàn tay con người trau chuốt nên không đưa được nét đặc trưng và cái hồn của điêu khắc đá Đồng Nai vào từng sản phẩm.
Nghệ Nhân Nguyễn Văn Minh đang hướng dẫn cho thợ điều khắc đá
Để bảo tồn và phát triển nghề điêu khắc đá truyền thống đã có bề dày lịch sử hơn 300 năm, chính quyền địa phương cũng như các nghệ nhân làng nghề nơi đây đang rất nỗ lực trong việc tạo nên những tác phẩm đặc sắc, đồng thời, truyền nghề cho lớp người kế cận, trong đó, không thể không nói đến nghệ nhân Nguyễn Văn Minh.
Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nhưng lại chọn Đồng Nai là nơi lập nghiệp và coi đây là quê hương thứ 2 để gắn bó, vì vậy, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh luôn đau đáu một điều, phải làm sao góp phần giữ lại nghề điêu khắc đá truyền thống nơi đây. Trải qua nhiều năm học hỏi, cộng với lòng đam mê và sức sáng tạo, đến nay, ông đã chế tác ra rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như tượng, vật phẩm phong thủy, sản phẩm trang trí nội, ngoại thất… Sản phẩm của ông được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đồng thời, cũng được vinh danh trong và ngoài nước. Điển hình phải kể đến tượng Phật bằng ngọc bích liền khối, được Hiệp hội kỷ lục thế giới xác nhận kỷ lục thế giới và 5 tác phẩm đạt kỷ lục quốc gia. Ngoài ra, từ năm 2015, năm nào ông cũng tham gia cuộc thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ do Trung tâm Khuyến công Đồng Nai tổ chức và đạt được nhiều giải thưởng cao.
Tượng Phật Quan Thế Âm bằng ngọc bích lớn nhất thế giới do nghệ nhân Nguyễn Văn Minh chế tác
Bên cạnh đó, thời gian qua, cơ sở chế tác đá của nghệ nhân Nguyễn Văn Minh đã đào tạo được hơn 100 thợ điêu khắc đá. Trong đó, có những người ở lại làm nghề tại cơ sở, có những người sau khi thành thợ giỏi đã về quê mở cơ sở riêng để phát triển và điều khiến ông tự hào là đã truyền lửa yêu nghề được cho các thợ do mình đào tạo.
Nói về lớp trẻ kế cận, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh cho rằng, muốn thành công với nghề điêu khắc đá cần phải có lòng đam mê, tính kiên nhẫn, chịu được cực khổ và chút năng khiếu. Ngoài ra, cần phải chịu khó đọc, tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân gian của từng vùng trong cả nước để đưa vào mỗi tác phẩm của mình. Có như vậy, mỗi tác phẩm làm ra mới sinh động. Ông cũng tâm sự rằng: “Mong muốn của tôi là sẽ tiếp tục đưa ra thị trường nhiều tác phẩm điêu khắc từ đá, ngọc mang đậm nét văn hóa của Đồng Nai và nhiều miền quê trong cả nước. Đồng thời, có thể đào tạo ra những thợ giỏi có thể kế nghiệp, giữ được nghề điêu khắc đá nổi tiếng của Đồng Nai và đưa nghề thăng hoa đến được với người mê điêu khắc trong và ngoài nước”.
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Minh đã được UNESCO phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và năm 2015, được tỉnh Đồng Nai phong tặng Nghệ nhân. |
Quỳnh Anh