Những tài liệu thư tịch và truyền thuyết địa phương cho biết, nghề gốm ở Bát Tràng đã có gần năm thế kỷ nay. Với diện tích tự nhiên 164 ha, xã có hơn 1.600 hộ. 7.200 khẩu và được chia thành hai thôn: Giang Cao và Bát Tràng. Thôn Bát Tràng trước kia gọi là phường Bạch Thổ, năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long. Việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, nhà cửa phát triển mạnh. Bởi vậy, nhu cầu nguyên vật liệu và thợ thủ công rất lớn. Thế là 12 thợ cả từ Vĩnh Ninh và Tràng Yên (Ninh Bình) cùng họ mạc khác di cư ra phường Bạch Thổ sản xuất gạch cung cấp cho kinh thành. Phường Bạch Thổ thời đó là vùng đất hoang hoá ven sông Hồng có tới 72 gò đất sét trắng, nguồn nguyên liệu chủ yếu để làm gốm và làm gạch…
Thôn Giang Cao trước đó gọi là Đông Sáng, đến đời Nguyễn đổi tên thành Đông Cao, ngày nay có tên gọi là Giang Cao. Nơi đây còn lại bao dấu vết quanh co của xóm nhỏ Bạch Thổ Phường (phường Đất Trắng). Những người thợ đã dựng lên hàng trăm lò bát. Làm bát đã trở thành nghề cổ truyền. Dân quanh vùng tín nhiệm, mến mộ, lâu ngày thành quen gọi là Bát Tràng. Rõ ràng ý nghĩa tên gọi đã khái quát và nâng hẳn tầm vóc một vùng quê nghề, khác xa với cái tên Bạch Thổ Phường khi mới hình thành một xóm nhỏ xa xưa.
Thời Pháp thuộc, Bát Tràng có 11 tiểu chủ lò. Người dân đại bộ phận làm thuê cho chủ lò. Sản xuất mang tính tự cung tự cấp. Trình độ sản xuất còn thô sơ. Kỹ thuật đốt lò thời đó chủ yếu bằng rơm, trấu. Sau đó dần dần được thay bằng củi.
Cuối những năm 70, Nghị quyết Trung ương Đảng đã mở ra cho quê hương làng nghề truyền thống Bát Tràng một trang sử mới, tạo ra cơ hội phát triển cho làng nghề. Việc phát triển sản xuất gốm sứ đã lan rộng trong các hộ dân. Việc đun đốt sản phẩm sứ bắt đầu bằng lò hộp nguyên liệu được thay bằng than thay cho lò bầu đun bằng củi ngày xưa. Sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã đi vào chuyên môn hoá và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đổi mới công nghệ hiện đại. Đặc biệt là việc giao lưu, học hỏi với các vùng gốm sứ; trong đó có công nghệ của Trung Quốc nung bằng gas để nâng cao năng suất lao động.
Nhờ thay đổi các công nghệ trong dây chuyền sản xuất, cơ cấu kinh tế của Bát Tràng cũng thay đổi theo cơ chế công nghiệp, thủ công nghiệp chiếm tới 84%; dịch vụ thương mại chiếm 15%. Toàn xã số lao động tham gia công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ, xây dựng cơ bản lên tới 3.300 người; lao động thương mại gần 1.000 người; tỷ lệ lao động khác chiếm 200 người. Về chất lượng lao động của Bát Tràng qua đào tạo nghề chiếm khoảng 2.500 người thông qua các kênh đào tạo tại xí nghiệp sứ, HTX thủ công và các công ty. Toàn xã có 13 nghệ nhân và 15 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu đôi bàn tay vàng, 4 hoạ sỹ gốm. Trên địa bàn xã có 01 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá năm 1998, 40 đơn vị kinh tế, 1.250 hộ sản xuất gốm sứ và dịch vụ; 190 lò gas; 600 lò đun than; 40 hộ chế biến nguyên liệu. Sản phẩm gốm Bát Tràng đa dạng, đẹp về màu sắc, mẫu mã, nét vẽ phong phú về kiểu dáng… Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu khoảng 65% (chủ yếu sang các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Úc, Đức,…) và đang hướng mạnh các sản phẩm vào thị trường Mỹ. Nhờ mở rộng ngành nghề đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương và khu vực. Cũng từ làng nghề truyền thống của Bát Tràng, đến nay nghề gốm sứ đã phát triển sang các xã Đa Tốn, Kim Lan và Xuân Quang; Huyện Văn Giang, Hưng Yên. Đời sống kinh tế Bát Tràng ngày càng được nâng cao, bộ mặt quê hương đổi mới từng ngày. Tổng giá trị kinh tế của Bát Tràng đạt bình quân hàng năm đạt vài trăm tỷ đồng/năm. Xã hiện nay không có hộ nghèo; 100% gia đình sử dụng nước sạch; 100% hộ dân sử dụng điện thoại; 100% hộ có xe máy; 100% gia đình có tivi…
Đến Bát Tràng hôm nay, mọi người sẽ được chứng kiến làng quê ngoại thành Hà Nội từng ngày công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn một cách tích cực. Điều giản dị và cũng rất mộc mạc: “…Nhiều thế kỷ rồi sẽ đi qua, nhưng cái đẹp của truyền thống Bát Tràng vẫn soi mình vào dòng thời gian bất tận. Lửa trong các lò gốm tiếp tục nối những tháng năm cháy rực. Tiếp nối sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ thợ gốm tài năng trên mảnh đất Bát Tràng hôm nay”.
Thanh Bình