Thứ Bẩy, 23/11/2024 06:45:54 GMT+7
Lượt xem: 1821

Tin đăng lúc 04-09-2020

Mũ ngăn Covid-19 của học sinh Việt vào top 10 sáng tạo quốc tế

Mũ chống dịch Vihelm do hai học sinh tại Hà Nội thiết kế lọt vào top 10 Giải thưởng Đổi mới sáng tạo quốc tế iCAN 2020.
Mũ ngăn Covid-19 của học sinh Việt vào top 10 sáng tạo quốc tế
Khánh An và Minh Đức giới thiệu chiếc mũ Vihelm với ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch vườn ươm tài năng trẻ YDLI. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Sản phẩm mũ bảo hộ có tên gọi Vihelm do Đỗ Trọng Minh Đức (lớp 11 trường Montverde Academy, Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An (lớp 8 Trường Song Ngữ Quốc tế Hanoi Academy) phát triển trên đề tài được nhà thiết kế Nguyễn Đình Nam giao cho từ cuối tháng 5. Đầu tháng 8 vừa qua, sản phẩm đã hoàn thiện và gửi dự thi Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo Quốc tế (iCAN) năm 2020. 

 

Đây là cuộc thi do Mỹ và Canada đồng tổ chức, năm nay thu hút được hơn 600 sáng chế từ 60 quốc gia. Các giải chính do ban giám khảo đa quốc gia chấm gồm giải vô địch, á quân, top 10, top 20, giải phụ nữ, giải trẻ, giải thiết kế công nghệ, giải trình bày. Vihelm được hội đồng giải thưởng lựa chọn trao giải top 10 về thiết kế công nghệ.

 

Chiếc mũ bảo hộ này gồm máy lọc không khí cấp khí sạch vào mũ bảo vệ đường hô hấp. Mũ được thiết kế với kết cấu đơn giản, có gắn với găng tay để giúp cho các hoạt động như gãi ngứa trên mặt, lau mồ hôi, hắt hơi, lau chùi mũ,... được đảm bảo thoải mái, an toàn, cách ly được virus. Thiết kế có khoang chứa thức ăn và nước bên trong, giúp người dùng có thể thể ăn uống an toàn khi phải làm việc trong môi trường có virus gây bệnh.

 

 

Minh Đức và Khánh An với sáng chế của mình tại Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc. Ảnh: UNDP Viet Nam.

 

Khi đội mũ bảo hộ, không khí sẽ được bơm liên tục qua một màng lọc khiến các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, bụi mịn không thể lây xuyên qua. Với hệ thống quạt làm thoáng khí được thiết kế, mũ sẽ mát mẻ và không bị đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người dùng.

 

Ý tưởng độc đáo cùng cách triển khai đi sát với thực tế, giúp sản phẩm của Đức và An được đánh giá cao. Từ đợt bùng phát dịch trước tại Việt Nam, sản phẩm được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) giới thiệu. Từ cuối tháng 6, hai bạn trẻ đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới.

 

 

Y bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM và đôi bạn Đức, An đến từ nhóm phát triển Vihelm. Ảnh: BVCC.

 

Nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Nam còn gợi ý thực hiện nghiên cứu số liệu quốc tế, dựng kịch bản truyền thông, lên mô hình kinh doanh, đưa sản phẩm lên Kickstarter và định hướng để thương mại hóa. Sau khi được giới thiệu tại UNDP, sản phẩm của nhóm được nhiều công ty ở Hàn Quốc ngỏ ý muốn đầu tư để sản xuất số lượng lớn.

 

Theo tính toán của Minh Đức, giá thành để sản xuất một chiếc mũ bảo hộ Vihelm là khoảng gần 1,4 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với những chiếc mũ thương hiệu nước ngoài. Đôi bạn mong muốn có sự giúp đỡ của các chuyên gia về vật liệu và máy móc để có thể sớm sản xuất hàng loạt phục vụ công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới.

 

iCAN là cuộc thi đổi mới sáng tạo danh tiếng được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm 2016, bởi tổ chức TISIAS có trụ sở ở Canada. Cuộc thi diễn ra với mục tiêu hỗ trợ sinh viên, nhà phát minh, nhà đổi mới, doanh nhân và nhà nghiên cứu trên toàn cầu để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và các dự án đổi mới, đưa ra các cơ hội kinh doanh khả thi, hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp. 

Do đặc tính như vậy, mức độ cạnh tranh của iCAN là rất lớn. Việc hai học sinh Việt Nam vượt qua nhiều tên tuổi nghiên cứu lừng danh để vào top 10 cuộc thi là sự kiện gây nhiều chú ý. Theo nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam trong số các tác giả tham dự có nhiều giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học lớn, chủ tịch, CEO của các doanh nghiệp nổi tiếng từ các nước phát triển.

 

Theo Khampha


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang