Thứ Sáu, 22/11/2024 18:17:12 GMT+7
Lượt xem: 4671

Tin đăng lúc 10-08-2017

Mua hàng trên mạng: Không chỉ “tiền mất tật mang” mà còn bị “khủng bố”…!

Mua hàng trên mạng hiện nay là xu hướng của nhiều người vì vừa tiết kiệm được thời gian lại tha hồ lựa chọn sản phẩm ưng ý. Thế nhưng nhiều người cũng rơi vào tình thế khóc dở mếu dở vì “hàng không như hình”, ngậm đắng nuốt cay để nhận. Nhưng có những trường hợp từ chối nhận hàng còn bị chủ hàng “khủng bố” bằng những tin nhắn thiếu lịch sự, xúc phạm danh dự cá nhân người tiêu dùng cũng không phải là hiếm.
Mua hàng trên mạng: Không chỉ “tiền mất tật mang” mà còn bị “khủng bố”…!
Trang mạng bán hàng trên facebook của Ellina

Khi viết về đề tài này, phóng viên Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng tình cờ được chị P.B.Anh đang làm việc tại một Công ty thuộc lĩnh vực Công nghệ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội chia sẻ về câu chuyện mua hàng trên mạng nhưng không được trả lại hàng, bị chủ hàng “ép mua” đang xảy ra tại chính gia đình mình. Theo chị Anh, người đang gặp chuyện này không ai khác là em gái Phạm Minh Phương trú Phố Ràng (Lào Cai), đang công tác giảng dạy tại một trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 

Cho chúng tôi biết về vụ việc xảy ra, chị Anh kể: “Vào ngày 5/8, em mình có đặt mua một sản phẩm bạc của công ty thời trang có tên Ellina ở trên mạng facebook. Sau đó, được chủ shop mời chào là bạc “xịn” cho nên đồng ý mua một chiếc vòng để tặng bạn. Trong quá trình trao đổi, em mình cũng đã rất cẩn thận nhắc khéo với chủ hàng rằng phải xem hàng xong mới thanh toán số tiền là 309 ngàn đồng bao gồm cả phí chuyển hàng. Chủ hàng đồng ý thỏa thuận và liên lạc với Phương bằng số máy 0945899xxx.

 

Ngày 7/8, Phương nhận được món hàng và mở ra để kiểm tra nhưng nghi ngờ chiếc vòng không phải là làm bằng bạc vì nó khá nặng so với trọng lượng của bạc. Phương đã mang ra cửa hàng vàng bạc gần nhà để được tư vấn vấn và kiểm tra mới phát hiện trang sức đó không phải 100% bằng bạc. Qua đó, nhận thấy đó là “đồ giả”, đồ không đúng chất lượng như cam kết ban đầu nên em tôi quyết định không đồng ý nhận hàng”.

 

“Tuy nhiên, ngay sau đó, em tôi đã bị trang fanpage của Elnila - địa chỉ mua hàng của chị Phương nhắn tin “khủng bố”, đe dọa và yêu cầu nhận hàng nếu “muốn sống yên ổn”. Nhưng Phương vẫn giữ ý kiến là sẽ không nhận món hàng vì không đảm bảo chất lượng. Ngay lập tức chủ hàng ”trở mặt” nhắn tin gọi điện đe dọa sẽ hack tài khoản facebook trong vòng 36 giờ để tung ảnh đồi trụy lên trang facebook.

 

Tiếp màn “dọa nạt” khách hàng không thành, chủ shop Ellina còn tiếp tục khủng bố bằng cách dọa “bán” thông tin gồm địa chỉ nhà, số điện thoại của em tôi cho kẻ xấu lấy… 500 ngàn đồng. Chưa hết, chủ shop này còn tráo trở dọa sẽ tung thông tin cá nhân của Phương lên trang web bán dâm và gửi giấy về trường học nơi em tôi đang làm giáo viên dạy nhạc. Không những thế, có số máy 0945899xxx liên tục gọi điện cho Phương để “khủng bố”, ép nhận hàng đã đặt….”, chị Anh cho biết thêm.

 

 

Chị Phương bị shop Ellina khủng bố dọa bán thông tin cá nhân cho trang web… bán dâm

 

Để nắm bắt thông tin sâu rộng hơn, chúng tôi đã liên lạc với chị Phương qua điện thoại. Thông qua điện thoại, cá nhân chị Phương tâm sự: “Quá hoảng sợ trước kiểu bán hàng khủng bố, tôi đã phải cầu cứu đến cơ quan chức năng. Cho đến nay, tôi vẫn đang có cảm giác sống trong lo sợ, mất ăn mất ngủ vì sự tráo trở và thái độ coi thường pháp luật của shop trang sức Ellina. Vì thế, tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, tránh việc tôi đang bị ép mua hàng dỏm và bị khủng bố bằng những tin nhắn thiếu lịch sự, có ý xâm phạm đến thông tin cá nhân dẫn đến ảnh hưởng tinh thần”.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, trang mạng facebook mà chị Phương mua hàng chỉ có dòng chữ thông tin là “Bán buôn trang sức tại Thành phố Hồ Chí Minh” và một số điện thoại liên lạc. Ngoài ra không có thông tin cụ thể về địa chỉ và xuất xứ của mặt hàng bán trên mạng.

 

Ngoài câu chuyện của chị Phương đã được chị Anh kể lại, chúng tôi còn được chị K.H (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đang đi mua sắm tại một cửa hàng trên phố Trúc Bạch kể lại: “Tháng 6 vừa rồi, tôi có đặt mua một bộ váy trên một trang Facebook với giá 560.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi phải giật mình vì bộ váy khác xa với hình chị nhìn trên mạng. Bởi lúc đặt mua, phía bán hàng cam kết hình đúng như trên mạng và có thể đổi trả được”.

 

Do đó, tôi có liên hệ theo số điện thoại trên để từ chối không mua hàng nữa nhưng phía cửa hàng chỉ hứa hẹn, sẽ đổi sang size khác hoặc mẫu khác chứ không nhận lại hàng và lấy lại tiền. Như vậy, khi phải mua chiếc áo không đúng cam kết, tôi đã “mất oan” gần 600.000 đồng tính cả cước phi vận chuyển cho chiếc váy. Thực tế, chất vải của chiếc váy quá xấu và khác đến 80% hình trên mạng nên giờ chắc vứt xó chiếc váy này”, chị H bức xúc nói.

 

 

Ellina dọa sẽ hack tài khoản facebook của chị Phương ghép, tung ảnh bậy lên

 

Qua hai câu chuyện trên, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng mà gặp phải tình huống “tiền mất tật mang” do sản phẩm kém chất lượng, không đúng cam kết, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Theo Luật sư Doãn Hùng: “Khi mua hàng trên mạng online, khách hàng có quyền từ chối mua hàng khi bên cơ sở bán hàng cung cấp hàng kém chất lượng, không đúng mẫu mã, kiểu dáng. Trong trường hợp này, phía chủ hàng vẫn bắt ép phải mua hàng thì người tiêu dùng có quyền trình báo lên các cơ quan chức năng, khởi kiện ra tòa vì phía chủ hàng đã không thực hiện bán hàng không đúng với hợp đồng bằng miệng, qua tin nhắn mà còn ý định “khủng bố” đời tư cá nhân khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe”.

 

“Như trong trường hợp của chị Phương là sự việc bị chủ hàng nhắn tin không mang tính đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu sách của người nhắn tin, hành vi này không phạm tội hình sự nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi đe dọa người khác được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông.

 

Cụ thể người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi "đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ viễn thông. Còn đối với trường hợp của chị K.H ở Tây Hồ, Hà Nội mua phải hàng không đúng cam kết, mẫu mã thì chị K.H có quyền trình báo đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết.”, Luật sư Hùng phân tích.

 

Nguyễn Trọng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang