Từ nỗi lo cạnh tranh với hàng Thái…
Trong Quý I năm 2016, thông tin hai hệ thống siêu thị lớn hàng đầu trong nước là Big C và Metro Việt Nam bị ông chủ Thái Lan mua lại đã trở thành “tin buồn” đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Một trong những ngành hàng ảnh hưởng nhiều nhất là bánh kẹo, thực phẩm. Hệ quả của việc này kéo theo thị phần của doanh nghiệp bánh kẹo nội trong hệ thống siêu thị có nguy cơ bị thu hẹp, thay vào đó là sự lấn át của hàng Thái Lan.
Bên cạnh đó, chính sách miễn thuế của nhà nước đối với sản phẩm bánh kẹo trong thị trường chung Asean cũng tạo đà cho hàng loạt mặt hàng bánh kẹo từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…xâm nhập thị trường. Vì vậy, không ít chuyên gia và doanh nghiệp lo lắng bánh kẹo nội sẽ thua trên chính “sân nhà”.
Lo ngại đó rất có cơ sở khi theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 12/2016, nhập khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt khoảng 20,53 triệu USD. Nếu cộng dồn đến hết kỳ báo cáo thì giá trị nhập khẩu lên tới 260,75 triệu USD. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới.
Mùa Tết trung thu vừa qua, dễ dàng nhận thấy sự xâm nhập của bánh kẹo ngoại vào thị trường. Bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng trong nước như Hữu Nghị, Bánh mứt kẹo Hà Nội hay Hải Hả thì những cái tên xa lạ đến từ Nhật Bản, Maylaysia, Singapore cũng ra mắt người tiêu dùng với mẫu mã đẹp và hương vị phong phú. Bánh kẹo nhập khẩu được người tiêu dùng lựa chọn trước hết bởi mẫu mã, khác lạ và tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận khách hàng. Nhưng trên thực tế, nếu các doanh nghiệp biết lựa chọn hướng đi phù hợp vẫn có thể khiến khách hàng trung thành với bánh kẹo nội.
… tới sự “lên ngôi” dịp Tết 2017
Từ trung tuần tháng 11, bánh kẹo Tết đã dần được trưng bày trong siêu thị tại những vị trí đẹp và bắt mắt, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nhưng theo khảo sát trong ba hệ thống siêu thị lớn nhất cả nước: Vimart, Metro, Big C thì thực tế lại hoàn toàn trái ngược với dự đoán. Hàng nội vẫn chiếm đa số, và lấn át hàng ngoại trên các kệ hàng.
Các thương hiệu quen thuộc được lên kệ khá sớm: Hữu Nghị, Phạm Nguyên, Bibica…So với bánh kẹo nội được trưng bày đồng bộ, đẹp mắt thì bánh kẹo ngoại vẫn chỉ có một vài thương hiệu vốn đã nổi tiếng như Orion, Kraft, Lotte và lẻ tẻ một số sản phẩm được phân phối bởi doanh nghiệp trong nước.
Hàng nội lấn át hàng ngoại
Lý giải cho thực tế này, có thể nói các doanh nghiệp trong nước đã nhận định rõ được nguy cơ và đưa ra những chiến lược phù hợp.
Ông Trần Ngọc Chung (Trường phòng Marketing - Công ty CPTP Hữu Nghị) cho biết công ty dùng chính những lợi thế của mình như am hiểu văn hóa, khẩu vị, tập quán tiêu dùng của người Việt…để đầu tư nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm phù hợp với văn hóa của người Việt.
Bên cạnh đó, định hướng đẩy mạnh phát triển kênh siêu thị (MT) bằng việc liên hệ với các siêu thị để trưng bày sản phẩm, thuê kệ hàng có vị trí nổi bật.
Chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” tạo sức bật rất lớn cho bánh kẹo trong nước
Một yếu tố khác khiến doanh nghiệp bánh kẹo trong nước có được lợi thế chính đến từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Năm nay, chương trình này được triển khai toàn diện trong hệ thống siêu thị Vinmart. Với sự gia tăng nhanh chóng các điểm và dành sự ưu tiên cho hàng Việt, chương trình đã góp phần kích thích tâm lý tự hào, ủng hộ của khách hàng đối với những sản phẩm bánh kẹo trong nước.
Cuộc vận động gắn liền với Đề án phát triển thị trường trong nước của Bộ Công thương đang được đẩy mạnh triển khai. Sự chuyển mình của các doanh nghiệp trong nước song song với chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối của nhà nước đã thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt.
Có thể nói, mùa Tết năm nay, hàng Việt đã có sự khởi đầu toàn thắng trên “mặt trận” siêu thị.
Nguồn Vietnamnet