Trên bình diện cả nước thì có ngày giỗ Tổ Hùng Vương nay được nâng lên thành Quốc giỗ, nhỏ hơn một chút thì những Lễ hội Chùa Hương, Yên Tử ở miền Bắc kéo dài cả mùa xuân, lễ hội vía Bà Chúa Xứ miền Nam thu hút cả triệu người đến từ mọi miền đất nước, nhỏ hơn còn là lễ hội vùng, rồi nhỏ nữa thì tới hội làng. Trải qua cả năm trời làm lụng vất vả, người Việt cư trú tại các vùng nông thôn cho tới thành thị, ai cũng ngóng tới ngày hội để được vui chơi, kết bạn, ăn diện trẩy hội… Đành rằng năm nào cũng vậy, hội đều đặn được tổ chức vốn chẳng khác nhau, nhất là ở phạm vi hội làng, nhưng sao cứ nghe tiếng trống giục sân đình, nhìn cờ ngũ sắc tung bay trên trời cao là lòng người làng lại thấy náo nức chỉ muốn bỏ hết việc nhà để nhao ra đình, chen vào đám đông, để được huých, được trèo lên vai nhau, được nghe tiếng trẻ khóc, cười, tiếng trai gái chọc ghẹo…
Các nhà nghiên cứu từ xưa tới nay vốn rạch ròi đã chia các hội làng nói chung ra thành hai mảng riêng biệt, phần Lễ và phần Hội. Lễ là tập hợp của tất cả những gì nghiêm trang, thành kính, là thắp hương cúng cáo trời đất, thánh thần, tổ tiên, là dâng tới cõi thiêng liêng những phẩm vật được chế biến đầy cẩn trọng. Lễ là các nghi thức áo dài khăn đóng, dâng rượu đọc sớ trong đình làng, trẻ con cấm tiệt bén mảng vào nơi các cụ bô lão đang thả nguyện ước theo khói hương bay lên tận trời xanh. Còn Hội thì ngược lại hoàn toàn, là sự thả cửa cười đùa vui vẻ, là chen lấn ngoài sân để tham gia các trò vui dân dã, là tụ năm, tụ bẩy níu chân, kéo tay với những trò nghịch ngợm của trai làng. Càng gần với thiên nhiên, cuộc sống xưa càng có nhiều trò tai quái của phần hội, kiểu như bắt trạch trong chum hay leo cột mỡ hoặc đi cầu thòm. Bắt trạch phải có một trai, một gái, mỗi người thò một tay vào chum khoắng tìm con trạch trơn tuột. Trước bao nhiêu cặp mắt dồn vào, trong tiếng hò reo như sấm của người làng, cặp trai gái vẫn cứ cúi người trên miệng chum, tay khua khoắng bên trong tìm trạch hay tìm gì thì có trời biết được. Nhưng có vậy mới vui. Đi cầu thòm thì không mang tính trai gái giao duyên lộ liễu, nhưng cũng chẳng kém phần dạn dĩ, trò vui này vốn khá phổ biến ở nông thôn Bắc Bộ xưa, chỉ là thân cây tre vươn ra mặt ao, ở ngoài treo phần thưởng để thách đố người chơi hội. Đi vài bước trên thân tre trơn nhẫy bùn rồi rơi tùm xuống ao trong gió xuân vốn chẳng làm chết ai, nhưng tạo nên vô số trận cười ngả nghiêng của người làng để góp vui cho hội. Trên miền sơn cước, nam nữ thanh niên các dân tộc Mông vẫn đi chơi rừng, chơi núi trong hội lồng tồng, nhộn nhịp chơi ném còn, háo hức ganh đua ném quay… thú vui ấy cũng không khác là bao so với hội làng vùng đồng bằng.
Trò chơi dân gian ngày tết
Ngay trong chính các hoạt động tưởng như trang nghiêm của phần lễ thì sự rôm rả náo nức cũng vẫn được người làng gợi dậy. Tại nhiều làng Bắc Bộ có tục lệ rước thần, sau khi thắp hương khấn vái, bài vị của Thành hoàng sẽ được phủ kín khăn đỏ, rước bằng kiệu son đi vòng quanh làng, đến một nơi nào đó không xác định bỗng “bay”. Khái niệm “kiệu bay” ở đây thật khó giải thích khi chiếc kiệu nặng trên vai mấy trai làng bỗng như xiêu vẹo, chạy bên nọ, hướng bên kia, kéo theo cả dòng người phía sau cùng nhốn nháo và thành kính khấn vái. Phải chăng đó là sự hiền linh của Thành hoàng khi vui cùng bà con dân làng trong ngày hội như tín ngưỡng dân gian giải thích, hay chỉ là hiệu ứng tâm lý bừng khởi của những người dự hội? Còn tục tranh cướp nõn nường đầy âm sắc phồn thực của nhiều vùng cũng gây nên men say của lễ hội làng mà chắc chắn không có hoạt động cộng đồng nào so sánh nổi.
Phổ biến hơn thì vẫn là các trò chơi dân gian cuốn hút sự tham gia của đông đảo người làng như đánh đu, đấu vật, thổi cơm thi, thả chim hay đánh cờ người. Ai đó muốn được ngắm nhìn những tà áo dài khăn đóng nghiêm chỉnh và những hàng cờ đều tăm tắp với nụ cười duyên nhẹ nhàng trong một hội làng cổ truyền chắc chắn sẽ thất vọng lắm, bởi những cảnh đó chỉ diễn ra trên phim ảnh. Cuộc sống thực với hàng triệu con người thực luôn luôn là những bức tranh đa sắc, có nghi ngút khói hương và cũng có hàng quán nhốn nháo xập xệ vây chặt lấy sân đình, có bô lão mặc áo thụng xanh thắp hương thành kính khấn vái và cũng có đám trẻ quần tụ đuổi nhau, cười đùa như chợ vỡ. Song có vậy mới thành hội làng, nơi mọi người dân đều được cởi bỏ hết mọi phép tắc ràng buộc để thả mình vào các thú vui trần thế. Tại các miền có truyền thống văn vật, hội làng còn là dịp để tổ chức những xới vật lừng lẫy hay các trận đấu cờ người vang danh trong lịch sử. Miền Hà Nam có võ vật, đất Bắc Ninh luyến láy điệu hát của 49 làng quan họ trải dọc sông Cầu, sông Đuống và chấp chới cánh bồ câu trong hội thi chim, sâu hút vào Sóc Trăng, Trà Vinh, khách phương xa lại náo nức cùng tay trao trong hội thi ghe ngo…
Mỗi năm chỉ có một lần, đó là khi Tết đến xuân về thì hội làng hay hội vùng - mỗi nơi mỗi vẻ. Song, đã ngấm vào huyết quản của mỗi người dân đất Việt với đầy đủ cung bậc tình cảm thương nhớ. Vì thế mùa Xuân mà không có hội, khác nào ngày Tết không có màu xanh bánh chưng.
Anh Thư