Phố phường Hà Nội và nhiều đô thị đang khiến mỗi người ngỡ ngàng bởi sự biến chuyển của màu cây, màu lá. Những tán bàng, lộc vừng, bằng lăng chuyển từ xanh thẫm sang đỏ vàng, màu men cánh gián, màu hổ phách… Đẹp hơn nữa là nhiều tán cây nép bên những ngôi nhà cổ, nhà cũ, có cửa và ban công thật duyên dáng và hợp gu. Điều đó tạo nên sự phối màu thành bức tranh sinh động ở một góc độ nhỏ. Rộng lớn hơn, có những dãy phố chuyển màu, góc phố thay màu. Như thể phố phường được chàng họa sĩ lãng mạn nhưng vô cùng phiêu lãng và tài tình, đã tung tãi sắc màu lên nền trời, nền phố, để không gian đó biến thành bức tranh lớn với bao tạo vật đang hiện hữu.
Nam nữ xúng xính chụp hình. Các bà các chị cũng thốt lên rổn rảng. Cảnh sắc khiến cánh chị em không thể đừng được, đành phải sắm sanh áo quần chụp ảnh, đành tạm gác một số công việc cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền để so dáng cùng cây. Tuổi trẻ đứng bên những gốc cội sù sì trầm lắng mốc rêu và vết thời gian. Sắc đẹp tươi mơn mởn đứng ngước lên những tán lá xào xạc cùng một nụ cười tươi không chỉ bởi son môi mà bởi niềm hứng khởi. Tuổi trẻ nép vào thiên nhiên và vẻ đẹp của cây cối để làm sang cho mình, gìn giữ những khoảnh khắc tuyệt diệu ấy. Ai đó nói thật đúng. Con người vốn xinh đẹp tuyệt vời. Nhưng con người đứng một mình đâu có thể bộc lộ hết vẻ quyến rũ uyển chuyển và đằm thắm. Con người phải dựa vào thiên nhiên, cây cối, hoa lá. Con người phải là chủ thể của bức tranh rực rỡ sắc màu hoa lá thì vẻ đẹp mới tròn đầy.
Những thành phố như Hà Nội tự hào vì vẻ đẹp luân phiên bốn mùa mà nhiều nơi không có. Một vẻ đẹp đặc trưng. Dù phố phường đông đúc và có lúc ngột ngạt đầy lo lắng, thì người ta vẫn phải động lòng, phải rộn ràng với phố, phải đi chớp lấy những khoảnh khắc đẹp nhường ấy.
Người ta vẫn tâm niệm, cây bàng “hóa đỏ” vào mùa thu. Nhưng thật ra phải qua lập xuân, lá bàng và nhiều lá cây khác mới thật sự biến đổi sâu sắc, thật sự đỏ đến tận cùng để rụng xuống và để mất đi, rồi ngay tức khắc lá non mọc lên. Một sự biến đổi mau chóng. Một thiên nhiên thay áo. Một mùa cây thay áo trong tiết xuân ấm có mưa lây phây.
Song sự biến đổi đó năm nào cũng tới, như xuân năm nào cũng đến. Tạo hóa có bốn mùa xuân hạ thu đông. Cây cối cũng vì thế luôn biết thay đổi mình. Lá cây cứ non tơ đến mơn mởn tột cùng, xanh đến tận cùng như rút ruột mà xanh. Rồi lá già đi để đỏ và vàng đến kiệt cùng. Những chiếc lá già cuối đời vẫn muốn hiến dâng cho cuộc sống nhan sắc của nó trước khi trở về cát bụt. Ôi muôn thứ cây huyền diệu, đã cho ta hiểu về bản ngã và bao giá trị thật của đời sống. Rằng con người không thể giậm chân tại chỗ, mà phải luôn làm mới mình, phải biến chuyển, thay bỏ chiếc áo cổ lỗ, cũ kỹ, sáo mòn để khoác vào mình chiếc áo tư duy hành động, sáng tạo. Phải luôn làm tròn bổn phận và có trách nhiệm. Là lá thì phải xanh là hoa thì phải tỏa sắc. Dường như mọi triết lý của con người đều từ tự nhiên mà ra. Tự nhiên - có lẽ là ông thầy lớn nhất, ông thầy góp phần tạo ra sự sống, quy luật, cảnh sắc, tài nguyên.
Lẽ thường tình, mỗi ngày con người đều phải thay áo sau khi trải qua những giờ làm việc vã mồ hôi, nhuốm bụi. Nhiều người đi làm khoác lên mình những chiếc áo không chỉ thơm tho mà rất đắt tiền, đó thậm chí là những “bộ cánh” thể hiện đẳng cấp sang giàu. Lại có người bình dân, nghèo khó vẫn cố gắng mặc trên mình những chiếc áo bình dân, nhưng gọn gàng sạch sẽ. Tấm áo nào mới giúp chúng ta đề kháng trước cái xấu, cái ác, cái tàn nhẫn ích kỷ? Tấm áo nào mới tỏa ra mùi thơm nhân ái, vị tha? Ông thầy tự nhiên dạy chúng ta hiến dâng và ngay cả cuối đời vẫn phải dâng sự đẹp đẽ cho con người.
Đi qua phố, nhìn cây tôi nghĩ đến chức phận của cây, rồi ngẫm về chức phận mình. Học được cây cối cách thay đổi, đâu phải dễ dàng gì!
Theo Thời Báo Ngân Hàng