Tiết kiệm năng lượng chưa thực sự hiệu quả
Tại hội nghị tổng kết năm 2014 của EVN mới đây, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN - cho biết: năm 2015, ngành điện phải đối mặt với 3 thách thức liên quan đến sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm, hiệu quả, nhất là lĩnh vực công nghiệp; tổn thất điện năng trên lưới truyền tải còn cao; tài chính chưa bền vững.
Báo cáo năm 2014 cho thấy, toàn ngành đã tiết kiệm được 2,23% điện thương phẩm, vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm mới chỉ thành công bước đầu và dừng lại ở khối sinh hoạt, còn lĩnh vực công nghiệp (chiếm gần 54% sản lượng điện) chưa hiệu quả. Nhiều ngành như xi măng, thép vẫn còn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn điện năng cao.
Đối với vấn đề tổn thất điện năng, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2015 phải giảm tổn thất xuống còn 8%, nhưng hiện vẫn ở mức 8,6%. Sở dĩ có những tồn tại này là do tính chất đặc thù của nguồn điện ở nước ta phân bố không đều, nguồn tập trung ở miền Bắc, còn phụ tải lớn ở miền Nam, do đó, ngành điện phải truyền tải sản lượng khá lớn từ miền Bắc, miền Trung để cung cấp cho miền Nam.
Cũng theo ông Thanh, năm 2014, ngành điện cơ bản xử lý xong lỗ, cân bằng được tài chính. Tuy nhiên, trong số 26.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá đã giải quyết còn hơn 8.000 tỷ đồng, mặt khác do tác động của giá than, khí, phí tài nguyên nước tăng, chi phí đầu tư tiếp nhận, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn đã tăng khoảng 8.000 tỷ đồng. Như vậy vẫn còn 16.000 tỷ đồng cần giải quyết trong năm 2015.
Năm 2015, EVN đặt chỉ tiêu về tiết kiệm điện là 1,5% sản lượng điện thương phẩm, giảm tổn thất điện năng xuống còn 8%; đẩy mạnh tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa; tiếp tục thực hiện tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động, sản xuất - kinh doanh điện năng có lợi nhuận. |
Cần chung tay vào cuộc
Các chuyên gia cho rằng, tổn thất điện năng, lãng phí năng lượng trong khi nhu cầu sử dụng điện cao là nguyên nhân cơ bản làm cho hệ số đàn hồi (tăng trưởng tiêu thụ điện/GDP) cao, gây áp lực cho sự phát triển và dẫn đến hiệu quả của ngành điện giảm. Hiện, hệ số đàn hồi của Việt Nam là khoảng 1,8%, cao hơn nhiều lần so với thế giới. Nghĩa là để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 6,2% thì ngành điện cần tăng trưởng trên 11%. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp cho điện đang dần cạn kiệt. Thủy điện cơ bản khai thác hết vào năm 2017; dầu khí cũng đã khai thác khoảng 30%; sản lượng than trong nước ngày càng khó khăn; năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng nhỏ...
Theo ông Phạm Lê Thanh, nhiều năm qua, EVN đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải; quyết liệt thực hiện các giải pháp quản lý, vận hành...; tổ chức hàng nghìn cuộc tuyên tuyền, tư vấn và các hoạt động tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả cho doanh nghiệp, cộng đồng.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm tổn thất điện năng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống truyền tải đồng bộ trên cơ sở sử dụng công nghệ kỹ thuật mới, tiên tiến hiện đại, thông minh hơn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ hữu ích cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khuyến khích và buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất, giấy... Đồng thời phải có các chế tài xử phạt mang tính răn đe những vi phạm về lĩnh vực điện như mất an toàn hành lang lưới điện, kiểm toán, dãn nhãn năng lượng...
Nguồn: baocongthuong.com.vn