Tăng trưởng ổn định
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2016, kinh tế Việt Nam đối diện nhiều thách thức, giá dầu giảm, tình hình kinh tế của Trung Quốc được dự báo là đang khó khăn. Mới đây, Moodys đánh giá một cách tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng tiếp tục giảm và tài chính của nước này sẽ còn những động thái cực kỳ bất lợi và khó lường. Khả năng di chuyển đầu tư, di chuyển hàng hóa sang thị trường Việt Nam từ Trung Quốc sẽ có tác động mạnh theo nghĩa tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi các FTAs có hiệu lực, thương mại tự do, bỏ rào cản về thuế quan nhưng cạnh tranh về giá, chất lượng sẽ ngày càng khốc liệt đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nước có điều chỉnh về tỉ giá nhằm hỗ trợ hàng hóa trong nước.
Mặc dù vậy, TS. Trần Đình Thiên nhận định, năm 2016 kinh tế vẫn sẽ phục hồi vì Việt Nam là “đất lành, chim đậu”. GDP sẽ vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ phục hồi của khu vực nội địa vẫn khó khăn, đó là chưa tính đến tác động của hạn hán, ngập mặn.
Ông Thiên cho rằng, trọng tâm của Chính phủ năm 2016 là tiếp tục đẩy mạnh chương trình DN quốc gia, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN; khởi nghiệp theo tinh thần mới; thay đổi phương thức tổ chức nông nghiệp, lấy DN đầu tư vào nông nghiệp là chủ đạo.
Chia sẻ về triển vọng nền kinh tế trong năm 2016, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, nền kinh tế của chúng ta đã phục hồi trong 2 năm qua. Những tín hiệu kinh tế trung hạn vẫn còn tốt. Tuy nhiên khác với năm 2015, ngoài những tín hiệu sáng, chúng ta bắt đầu đã có những tín hiệu “bớt sáng” đi, cụ thể: Thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu giảm tốc, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều và tỉ giá không còn ổn định được như giai đoạn 2013-2014.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, trong môi trường kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp theo hướng tiêu cực hơn, Việt Nam thực sự đã là ngôi sao trong khu vực. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng của năm 2015 nhưng khó có những đột phá về kinh tế trong năm 2016.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho rằng, Hội nhập là cách duy nhất để tạo ra sự phát triển bền vững cho đất nước, tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, các DN Việt Nam vốn dĩ yếu và thiếu về vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị phải cạnh tranh rất quyết liệt với các DN nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến. Các DN Việt Nam cần phải “ dũng cảm” cạnh tranh bằng nỗ lực sáng tạo của mình. Đồng thời, Nhà nước và Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ các DN, nhất là các DN tư nhân lớn để họ phát triển, tạo mũi nhọn dẫn dắt nền kinh tế đất nước phát triển.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, trong cấu trúc DN Việt Nam đang thiếu một tuyến trụ cột là những DN tư nhân lớn. DN vừa và nhỏ vô cùng quan trọng nhưng nếu không có những trụ cột là DN tư nhân lớn thì rất khó phát triển.
Có cùng quan điểm trên, trong tham luận gửi hội thảo, Chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch cho rằng, dòng chảy hội nhập thế hệ mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học-kỹ thuật và công nghệ chính là cơ hội đang mở ra cho đất nước, cho DN Việt Nam. Chúng ta đang ở trong thời đại mà sự “thắng thua” trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo.
Theo TS. Lịch, Điều mà DN Việt Nam cần là một môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo, một thể chế kinh tế có sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường; Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường, bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Bước vào năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một xu hướng như vậy.
Nguồn: Chinhphu.vn