Kết quả khả quan
Thay mặt TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2017, ngành Công thương đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán; Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao, cung cầu hàng hóa trong nước được đảm bảo, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những kết quả quan trọng.
Năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,5% và vượt mức thu ngân sách đề ra; hoàn thành toàn bộ 20 chỉ tiêu KT-XH (có 7 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch), trong đó chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,1%; Ngành dịch vụ tăng 8,71%; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3%, vượt kế hoạch và tăng mạnh so với các năm gần đây...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cũng cho biết, TP vẫn tồn tại những hạn chế sau: Tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng công nghiệp chưa ổn định, bền vững do suất đầu tư và chi phí cao làm hạn chế tính cạnh tranh; Vẫn còn tình trạng trốn lậu thuế, hàng giả, hàng nhái, ngộ độc rượu methanol; Phát triển thương mại dịch vụ văn minh hiện đại chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và du khách quốc tế.
2 giải pháp để phát triển
Trước những cơ hội, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng; yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế… TP Hà Nội đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP năm 2018 là 7,3 - 7,8%; trong đó: Dịch vụ tăng 6,9 - 7,5%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,2 - 8,7%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 7,5 - 8%.
Để đạt được mục tiêu, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho rằng, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực công thương sau: Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng công nghiệp, thương mại. Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thị trường. Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chủ đề năm 2018 của Thành phố là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”;
Thứ hai, về phát triển công nghiệp, thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế: Tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp; thu hút đầu tư và lấp đầy các khu công nghệ cao, khu công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, logistic; Triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp. Nâng cao hiệu quả chương trình khuyến công và phát triển làng nghề; Đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định. Đẩy mạnh đầu tư, cải tạo hệ thống chợ. Triển khai xây dựng một số trung tâm thương mại lớn và chợ nông sản đầu mối. Tăng cường hợp tác chuyển giao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh đáp ứng điều kiện hội nhập.
Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm xem xét, giải quyết một số đề xuất, kiến nghị.
Một là, Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về quản lý và phát triển chợ, trong đó cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến phân cấp quản lý, chuyển đổi mô hình và nguồn vốn đầu tư chợ.
Hai là, kiến nghị với Bộ Công thương tăng cường phát triển lưới điện thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, điều độ lưới điện. Tham mưu Chính phủ xem xét cơ chế, chính sách giá bán điện để khuyến khích nhiều nguồn lực tham gia xây dựng và phát triển lưới điện. Phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu cơ chế đặc thù cho Tổng Công ty Điện lực Hà Nội được vay các khoản tín dụng ưu đãi để đầu tư các dự án hạ ngầm và hiện đại hóa lưới điện Hà Nội đáp ứng tiêu chí N-1;
Sớm ban hành văn bản thay thế Quyết định số 1371/QĐ-BTM ngày 29/4/2004 của Bộ Thương mại trước đây về Quy chế phân hạng và phê duyệt nội quy siêu thị, trung tâm thương mại. Rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistic; Xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động logistics;
Tiếp tục cử các chuyên gia phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Hà Nội để phân tích, đánh giá tác động của các Hiệp định FTA thế hệ mới đối với từng ngành hàng, lĩnh vực trước và sau khi ký kết.
Nguồn Kinhtedothi