Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 60.788 tỷ đồng, tăng khoảng 3,81% so với năm 2018, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (7-7,5%). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch chậm so với năm 2018. Đặc biệt, ngành công nghiệp tăng trưởng chậm, công tác đầu tư và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực đã và đang chịu ảnh hưởng đáng kể.
Theo số liệu từ Sở Công Thương Quảng Nam, trong năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước; trong đó tăng chủ yếu ở ba nhóm ngành lớn là công nghiệp khai khoáng tăng 31,62%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 15,3% và công nghiệp chế biến - chế tạo 5,25%, trong khi đó ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12%.
Một số ngành công nghiệp tăng mạnh như: khai khoáng khác (+37,88%); sản xuất đồ uống (+16,48%); dệt (+30,31%), sản xuất trang phục (+17,91%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (+16,77%); sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu (+13,29%); sản xuất xe có động cơ (+3,54%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+11,37%); hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu (+17,9%). Bên cạnh đó một số ngành sản xuất giảm: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-4,58%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-6,17%); sản xuất và phân phối điện (-12%).
Một số nguyên nhân làm cho chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng không cao gồm: đối với ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, với xu hướng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam tiếp tục tăng cao, đặc biệt các sản phẩm nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ ASEAN với thuế suất 0% có mức giá rất cạnh tranh. Trên thực tế, nền tảng sản xuất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện chỉ dừng lại ở mức lắp ráp CKD đơn giản hoặc sản xuất các linh kiện. Do đó, khi AFTA có hiệu lực hoàn toàn thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, nguồn thu chủ yếu của tỉnh từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 67% thu nội địa, ước thu chỉ đạt 88,5% dự toán, do số thu từ hoạt động ôtô của Công ty Trường Hải (chiếm 77,5% số thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm 52% thu nội địa), không đạt kế hoạch nộp ngân sách từ đó ảnh hưởng đến ngành công nghiệp của tỉnh.
Đối với hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải thời gian gần đây gặp trở ngại trong việc quy tập và xử lý rác thải nên việc thu gom rác bị hạn chế vì vậy mặc dù hoạt động sản xuất của ngành này vẫn tăng nhưng mức tăng chậm lại. Đáng chú ý, ngành điện tiếp tục giảm do các nhà máy chủ yếu vận hành theo lệnh điều động của Trung tâm điều độ Quốc gia. Thời điểm hiện tại đang thiếu nước để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, vì vậy các hồ phải tập trung tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên hầu hết các nhà máy thủy điện chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà máy ngường phát điện trong thời gian đến.
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Nam, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương và UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, kịp thời tham mưu đề xuất nhiều giải pháp và chính sách cụ thể với các nhiệm vụ trọng tâm như: Cải thiện môi trường đầu tư, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy nội lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước...từ đó phát huy hiệu quả nâng cao thế mạnh công nghiệp của tỉnh Quảng Nam.
Theo Báo Công Thương