Năm Bính Thân gần nhất là năm 1956 ghi lại dấu mốc lịch sử:
- Ngày 01/5/1956, hơn 20 vạn công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn xuống đường đấu tranh chống Mỹ - Diệm.
- Ngày 08/5/1956, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam.
- Ngày 11/5/1956, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Chính quyền Sài Gòn yêu cầu hiệp thương để bàn về vấn đề tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Thấm thoát đã 60 năm trôi qua…
Bính Thân 2016 sẽ là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ (2016-2020), quyết định đường lối đưa đất nước ta tiến sâu vào hội nhập kinh tế thế giới và trở thành nước công nghiệp khá trong khu vực.
Nhân ngày rộng tháng dài - Tết năm con khỉ này, xung quanh câu chuyện đầu xuân, có dịp tản mạn về con giáp năm nay, chúc cho những ai cầm tinh con khỉ tiếp tục gặt hái những thành công và luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Tuy vị trí đứng hàng thứ 9 trong 12 con giáp nhưng con khỉ trong đời sống văn hóa tâm linh lại có chức sắc cao: “Tề thiên Đại thánh”. Một vị Thánh lớn ngang hàng với trời! Tôn Ngộ Không hiện thân là chúa của loài khỉ đấy thôi! Với bản chất thông minh lanh lợi, hiếu động và khả năng siêu phàm, con khỉ trong Tây Du Ký là niềm tự hào, ngưỡng mộ nhất của mọi thế hệ, với tinh thần hướng thiện, diệt ác trừ tà, đem lại công bằng cho xã hội.
Con khỉ lại xuất thân từ giống vượn, theo thuyết tiến hóa của Đắc-uyn: Vượn là thủy tổ của loài người. Hàng mấy triệu triệu năm rồi, không biết luật tiến hóa ấy có còn diễn biến hay không mà trên trái đất này cũng không thấy tiến hóa chí ít được “Một phần người - mười phần khỉ” nào, cho nên: “Khỉ vẫn hoàn khỉ, Mèo lại hoàn mèo”.
Ở Việt Nam ta, con khỉ, con vượn luôn chiếm được cảm tình mọi người trong văn học cũng như trong đời sống, gần gũi với nhiều thế hệ: “Con vượn bồng con, lên non kiếm trái; Anh cảm thương nàng, phận gái mồ côi…”.
Có nhiều truyền thuyết ca ngợi lòng trung thành, trí thông minh của loài khỉ: Một bà cụ sống cô đơn tại bìa rừng, nuôi một con khỉ trong nhà, hằng ngày con khỉ đi hái trái về nuôi bà cụ, hái lá rừng về chữa bệnh cho bà. Khi bà qua đời, con khỉ ngồi trên mái nhà kêu khóc thảm thiết đến chết khô. Người làng đặt tên nó là Cu Nghĩa hay Cu Ngãi vì có nghĩa với chủ”.
Ai đã đến Hội An - Quảng Nam tham quan Chùa Cầu – Một công trình kiến trúc của Nhật Bản thời đầu thế kỷ XIV, đều nhìn thấy tượng “Khỉ đầu chó”, đó là một linh vật tượng trưng cho niềm tin phát đạt của bất cứ thế hệ thương gia nào.
Nhưng trong cuộc sống chung với con người, con khỉ còn biểu lộ những cá tính đặc trưng: Bắt chước, quấy phá, năng động: “Trời sinh con khỉ ở lùm, Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống ao!”.
Chính cái tính bắt chước này đã làm hại các thế hệ khỉ vào bẫy của con người: Người đi săn thấy đàn khỉ trên cây liền ra khoảng đất trống làm động tác tự trói 2 chân mình lại, sau đó thả nhiều đoạn dây trên nền đất, thế là bầy khỉ ùa xuống dùng dây bắt chước tự trói mình để… tự giác nộp mạng!.
Chuyện xảy ra ở nơi “khỉ ho cò gáy” thời mông muội ấy, nhưng đến bây giờ vẫn không ngăn được hình ảnh quen thuộc của con khỉ trong cuộc sống: Ngoài việc tập trung tại các sở thú, nuôi dưỡng và huấn luyện ở các đoàn xiếc thú, khỉ cũng được chăm sóc để duy trì nòi giống. Ở Nha Trang có Đảo Khỉ với đàn khỉ hàng nghìn con sống có “tôn ti trật tự” trong một “xã hội khỉ” có khỉ chúa, khỉ đầu đàn.
Biết nuôi dạy và huấn luyện tốt, khỉ còn làm xiếc, khỉ đi xe đạp, xe máy đánh đu, múa võ (hầu quyền) và các “trò khỉ” khác đem lại niềm vui cho con người, đặc biệt thích thú đối với trẻ em.
Cái tên “khỉ” còn xuất hiện rộng rải trong đời sống như: “Cầu khỉ” ở vùng sông nước miền Nam, “Áo Khỉ” một món thời trang được các thiếu nữ diện cùng với váy, áo dài…
Cuối cùng là cao khỉ, món óc khỉ là những vị thuốc, là món ăn cực kỳ bổ dưỡng trong y học cổ truyền, chỉ có vua chúa hay bậc quyền quý trong xã hội mới được dùng.
Năm con khỉ Bính Thân - 2016 đang về với chúng ta với nhiều kỳ vọng trong cuộc sống, phát huy những thuộc tính tốt đẹp của loài khỉ để sống đẹp, sống vui và đầy ắp ý nghĩa nhân văn. Trong mọi tình huống của cuộc sống đừng bao giờ để xảy ra tình trạng “mặt nhăn như đít khỉ”, “Khỉ ăn ớt” hay “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”.
Hãy luôn giữ vững ý chí trước mọi mưu toan: “Mượn hơi hùm rung cây nhát khỉ”. Khi đó hình ảnh con khỉ sẽ trở thành xấu đi bị mang tiếng, bị mắng là cái đồ: Khỉ khô, Khỉ mốc hay … Khỉ gió!
Văn Thuận