Tính đến tháng 7/2018, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 2.688 triệu USD, đầu tư trong nước đạt 4.724 tỷ đồng. Chỉ hơn 2 năm, tổng vốn FDI đã tăng 6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2017, thông qua việc cấp phép đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 với vốn đăng ký 2.072 triệu USD, Nam Định lần đầu tiên có tên trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút FDI.
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.655 doanh nghiệp và 667 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập. Đến tháng 9.2018, Nam Định có 98 dự án FDI còn hiệu lực, phần lớn đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chỉ có một số dự án đầu tư theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các dự án FDI có mặt ở tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp là Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung và Dệt may Rạng Đông với tổng diện tích mặt bằng trên 1.110ha. Các khu cụm công nghiệp tỉnh chủ công hoàn thiện theo hướng lâu dài ổn định, phát huy các lợi thế cạnh tranh của địa phương. Hệ thống giao thông huyết mạch có tính liên vùng, các tuyến giao thông đường bộ từ thành phố Nam Định đến trung tâm 9 huyện và các thị trấn đều được nâng cấp, mặt đường trải bê tông nhựa…
Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Chung cho biết, để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã quyết liệt thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, đòi hỏi các khoản chi phí không chính thức từ doanh nghiệp.
Để thực hiện cải cách, đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Tỉnh chỉ đạo khi thực hiện thủ tục đầu tư, doanh nghiệp chỉ cần đề xuất yêu cầu về xúc tiến đầu tư và giao dịch với đầu mối duy nhất của tỉnh là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh duy trì đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết trực tiếp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Nam Định đang chỉ đạo tích cực phổ biến công khai thông tin các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư.
Được biết, thời gian qua tổng vốn FDI đạt 89,6% mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, thu hút đầu tư trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ đạt 15,8% mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư gặp khó khăn một phần do các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, môi trường còn chồng chéo, mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu hút đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực của một số chủ đầu tư có hạn, ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện hạ tầng. Số thủ tục hành chính thực hiện theo hình thức liên thông giữa các ngành, các cấp chưa đạt yêu cầu; Cổng thông tin điện tử tỉnh chưa phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Chung nhấn mạnh cho biết, để khắc phục những tồn tại, hoàn thành mục tiêu của nghị quyết, thời gian tới Nam Định sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Tập trung thực hiện cải cách hành chính trên các lĩnh vực, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính gắn với việc công khai, minh bạch thông tin. Triển khai xây dựng mạnh mẽ chính quyền điện tử với nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân.
Nguồn Enternews