Chủ Nhật, 24/11/2024 06:57:31 GMT+7
Lượt xem: 1332

Tin đăng lúc 10-08-2021

Nam Định: Đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ dự án đầu tư trong và sau đại dịch

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nam Định đang tích cực xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, giúp các doanh nghiệp kịp thời tiếp cận chính sách, nắm bắt cơ hội đầu tư.
Nam Định: Đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ dự án đầu tư trong và sau đại dịch
Công nhân làm việc tại KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định. Để có thể phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư. Đặc biệt là ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

 

Đơn cử như tại huyện Giao Thuỷ, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp. Từ đó, tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải như: vấn đề về mặt bằng sạch, các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư; khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng và các giải pháp thu hút người lao động… Cùng với đó, huyện cũng tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin kịp thời nhu cầu thị trường, giá cả để các doanh nghiệp nắm bắt, tổ chức lại sản xuất, giảm thiệt hại do đại dịch gây ra.

 

Thời gian gần đây, thay vì ngồi chờ các doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư, huyện Giao Thuỷ đã chủ động “dọn ổ đón đại bàng”; đưa ra các giải pháp hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung cho công tác quy hoạch các khu, CCN và các điểm sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ; quy hoạch các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên các ngành có lợi thế, thu hút nhiều lao động như: dệt may, chế biến sản phẩm địa phương…

 

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Giao Thuỷ hiện đang có dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định chạy qua. Tuyến đường này được xác định là “chìa khoá” để phá thế “cụt” về giao thông trên địa bàn. Xác định được lợi thế đó, ngay khi dự án được khởi công, bằng việc xúc tiến đầu tư, huyện Giao Thuỷ đã đón hơn 30 doanh nghiệp về tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư. Trong đó, có các tập đoàn lớn như: SunGroup, FLC, VinGroup...

 

Theo ông Cao Thành Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, việc thực hiện các quy hoạch xây dựng liên quan được huyện thực hiện đảm bảo bám sát tiêu chí chủ động điều kiện tốt nhất về cơ sở, hạ tầng, phục vụ thuận lợi cho thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp.

 

Theo đại diện UBND huyện Giao Thuỷ, trong quý 2/2021, địa phương có thêm 5 nhà máy đã và đang hoàn thiện công tác đầu tư hạ tầng, đi vào sản xuất kinh doanh. Các nhà máy này dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm khoảng 8.000 lao động.

 

Còn theo ông Nguyễn Văn Đỗ - Chủ tịch hội doanh nghiệp huyện Giao Thủy, hội doanh nghiệp huyện hiện có 83 doanh nghiệp thành viên. Từ khi thành lập vào cuối năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp trong hội đã được chính quyền hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thủ tục hành chính, thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Nam Định cũng tập trung cao độ, vừa chống dịch vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động.

 

Ông Trần Minh Hoan – Trưởng ban BQL các KCN tỉnh Nam Định cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song 150 doanh nghiệp trong các KCN vẫn vừa đảm bảo chống dịch, vừa tập trung sản xuất kinh doanh. 7 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN đạt hơn 12.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt hơn 450 triệu USD. Các doanh nghiệp trong KCN đã tạo việc làm cho trên 4,5 vạn lao động và nộp ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

 

Cũng theo ông Hoan, tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án. Trong đó, cấp mới cho 24 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 2.046,2 tỷ đồng và 2,5 triệu USD. 24 dự án được cấp mới bao gồm: 22 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI. Đồng thời, tỉnh Nam Định cũng điều chỉnh tăng vốn 10 dự án gồm: 2 dự án đầu tư trong nước và 8 dự án FDI, với tổng số vốn tăng là 4,4 tỷ đồng và 41,7 triệu USD.

 

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu thu hút được trên 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trên 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đã đề ra.

 

Để hiện thực hoá được mục tiêu này, theo ông Mai Văn Quyết - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp. Trong đó, phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Thuận, mở rộng KCN Bảo Minh, lấp đầy KCN Dệt may Rạng Đông…; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất.

 

Ngoài ra, tỉnh Nam Định cũng tập trung hoàn thiện hạ tầng các CCN: Thịnh Lâm, Yên Bằng, Mỹ Tân, Thanh Côi, Hải Vân...; xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông... để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư; tập trung cho công tác GPMB các dự án.

 

Theo đại diện nhà đầu tư hạ tầng CCN Thịnh Lâm, trong thời gian thực hiện thi công hạ tầng CCN, phía doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ. Do vậy, các đơn vị thi công phải giãn, hoãn tiến độ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ phía các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã kịp thời khắc phục khó khăn. Tiến độ thi công dự án cũng được đẩy nhanh, bảo đảm kịp thời việc cung ứng hạ tầng cho các nhà đầu tư thứ cấp vào khai thác.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang