Thứ Sáu, 22/11/2024 13:37:36 GMT+7
Lượt xem: 1284

Tin đăng lúc 07-01-2022

Nắm rõ thị hiếu, thói quen tiêu dùng để chinh phục thị trường Mỹ La tinh

Về lâu dài muốn xuất khẩu hiệu quả sang thị trường Mỹ Latinh, doanh nghiệp phải nắm rõ thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Nắm rõ thị hiếu, thói quen tiêu dùng để chinh phục thị trường Mỹ La tinh
Nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam có cơ hội xâm nhập thị trường Mỹ La tinh. Ảnh minh họa: Tạp chí Công Thương

Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong khu vực Mỹ Latinh, trong đó đặc biệt là FTA Việt Nam-Chile được ký ngày 11/11/2011, có hiệu lực từ năm 2014; Hiệp định CPTPP trong đó có 3 nước Mỹ Latinh gồm Mexico, Chile, Peru là thành viên đã đem lại những kết quả hết sức tích cực, là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Mỹ Latinh.

 

Nhận thấy những tín hiệu tốt để doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng cường giao thương, xuất khẩu hàng hoá vào khu vực Mỹ La tinh, PGS.TS. Cù Chí Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS), chuyên gia về châu Mỹ cho rằng, hiện kinh tế Mỹ Latinh đã bắt đầu phục hồi khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 khá cao, khoảng 60-65%.

 

“Đáng chú ý, các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh đang thay đổi, cấu trúc lại. So với nhiều quốc gia giao thương với thị trường này, Việt Nam có thể coi là đến muộn hơn. Do đó, quá trình cấu trúc lại của nền kinh tế Mỹ Latinh là cơ hội để DN Việt thâm nhập thị trường”, PGS.TS.  Cù Chí Lợi nhận xét.

 

Nhìn nhận từ một số chuyên gia có thể thấy, thời gian qua tăng trưởng thương mại Việt Nam-Mỹ Latinh khá cao. Nhìn tổng quát, Việt Nam và Mỹ Latinh có sự tương hỗ lớn. Việt Nam có thể là đầu cầu cho DN Mỹ Latinh thâm nhập vào nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể nhập khẩu nguyên liệu đầu vào khá phong phú từ Mỹ Latinh.

 

Một trong những tín hiệu rất mới trong hợp tác thương mại giữa đôi bên, nhất là với thị trường Mexico là hợp tác thương mại bắt đầu mang tín hiệu thương mại hiện đại, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu sang Mexico lượng lớn hàng điện tử, trong khi đó đây cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mexico sang các thị trường như Mỹ, Canada.

 

“Như vậy xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico như 1 đầu vào cho xuất khẩu của Mexico sang thị trường khác. Đây là quan hệ thương mại mang dáng dấp chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu. Điều này thể hiện xu hướng phát triển chung thế giới hiện nay, nếu phát triển được tiềm năng trong thời gian tới sẽ rất lớn”, PGS.TS. Cù Chí Lợi nhấn mạnh.

 

Trong gần 3 năm qua, những ưu đãi thuế quan trong CPTPP mang lại cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường như Mexico, Chile. Giai đoạn 2018-2020, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico luôn đạt 2 con số với tăng trưởng bình quân 18,8%/năm. Các mặt hàng chủ lực có trị giá xuất khẩu tăng là điện thoại, phương tiện vận tải, phụ tùng, giày dép…

 

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, trong các nước đối tác CPTPP, Mexico và Canada là các thị trường lần đầu tiên Việt Nam có FTA nên thấy ngay hiệu quả tác động tới tăng trưởng xuất khẩu.

 

“Khi nhìn vào trị giá hàng hoá xuất khẩu sang Mexico được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo CPTPP dễ thấy, trong tổng số 3,8 tỷ USD trị giá xuất khẩu sang Mexico trong 10 tháng năm 2021 có tới trên 1,4 tỷ USD hàng hoá được cấp C/O theo CPTPP. Tỷ lệ cấp C/O cao chứng tỏ DN đã sử dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP để xuất khẩu sang Mexico”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu phân tích.

 

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực Mỹ Latinh trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đang trên đà phục hồi và DN ngày càng tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA khá lớn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, với FTA điển hình như CPTPP, quy định về quy tắc xuất xứ còn khá mới, khác so với những gì DN xuất khẩu quen thuộc. Để tiếp tục tận dụng ưu đãi từ các FTA, điểm quan trọng là DN cần nâng cao tinh thần chủ động, nắm bắt cơ hội về ưu đãi thuế quan, nắm vững quy tắc xuất xứ của các FTA.

 

“Để xuất khẩu được, DN cũng phải nắm rõ thị hiếu, thói quen tiêu dùng của thị trường cũng như các quy định khác về nhập khẩu hàng hoá như phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, muốn xuất khẩu hiệu quả sang thị trường Mỹ Latinh, DN phải đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm”, bà Trang nhấn mạnh.

 

Ngoài việc đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ để thúc đẩy xuất khẩu, khoảng cách địa lý cũng là một trong nhưng khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa vào khu vực thị trường Mỹ La tinh. Do đó, logistics là vấn đề lớn cần có cách hoá giải phù hợp khi đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ Latinh trong thời gian tới.

 

Một lãnh đạo DN chuyên tư vấn hỗ trợ giải pháp logistics cho thị trường Mỹ Latinh cho biết, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ La tinh chủ yếu là hàng nông sản, cần được vận chuyển nhanh để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên nhiều khi các nhà vận chuyển không ưu tiên hàng hoá của Việt Nam khi sắp xếp hàng hoá lên tàu và máy bay.

 

Trong khi đó trước đây, thời gian vận chuyển hàng hoá sang thị trường Mỹ Latinh thường chỉ mất 30 ngày, nhưng hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian giao hàng đã lên đến 50 – 60 ngày, dẫn đến tình trạng giao hàng muộn, giao hàng không kịp thời vụ khiến một số DN bị phạt hợp đồng dẫn đến mất uy tín cũng như phải gia tăng chi phí./.

 

Theo Vov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang