Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:39:17 GMT+7
Lượt xem: 3111

Tin đăng lúc 11-07-2018

Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh

Hơn hai năm qua, kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao và ổn định, luôn là "đầu tàu" của đất nước. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu nâng cao đời sống người dân, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, đòi hỏi thành phố phải nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng…
Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh
Ðào tạo lực lượng lao động chất lượng cao tại Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2016-2017, GRDP của TP Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng 8,2%, chất lượng tăng trưởng theo hướng tích cực và hiệu quả, tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố. Các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng cũng tăng theo xu hướng tích cực. Yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 28,3% năm 2010 lên 36,7% năm 2017. Hệ số ICOR giảm từ 4,82 năm 2011 xuống còn 4,41 năm 2017 cho thấy để tạo ra một đồng giá trị gia tăng, vốn đầu tư ít hơn, hiệu quả cao hơn. Năng suất lao động có tốc độ tăng cao, từ mức tăng 4,9% năm 2010 lên 7,9% năm 2017. GRDP bình quân đầu người từ 3.855 USD/người năm 2011 tăng lên 5.550 USD/người năm 2017. Thu ngân sách của thành phố tăng trong các năm qua, vừa bảo đảm nguồn thu theo kế hoạch của Trung ương, vừa đáp ứng nhu cầu chi của thành phố.

 

Bên cạnh đó, phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng, chuyển dịch trong nội bộ các ngành kinh tế có xu hướng tích cực, phát huy lợi thế so sánh và điều kiện thuận lợi của từng ngành để phát triển và tăng cường hội nhập. Các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, lợi thế cạnh tranh có hướng tăng nhanh.

 

Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, từ năm 2010 đến nay, lượng khách quốc tế đến thành phố tăng nhanh; riêng năm 2016 và 2017 tăng mạnh so các năm trước. Năm 2017, khách quốc tế đến thành phố đạt 6,4 triệu lượt khách, tăng gần 23% so năm 2016 góp phần đóng góp vào tổng doanh thu ngành du lịch đạt 115.978 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so năm 2016.

 

Thời gian qua, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước phát huy tác dụng tạo điều kiện huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã có điều kiện hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, phát huy thế mạnh của từng ngành, lợi thế so sánh của từng lĩnh vực để phát huy điểm mạnh khi thực hiện các hiệp ước song phương, đa phương. Ðến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 7.000 dự án đầu tư nước ngoài. Hằng năm, lãnh đạo thành phố tiếp, gặp gỡ nhiều đoàn quốc tế đến tìm hiểu và đầu tư, chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài vào các nước, thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Những yếu tố này tiếp tục cho thấy kinh tế TP Hồ Chí Minh đang dần chủ động trong hội nhập quốc tế.

 

Một dấu ấn trong thời gian qua đó là thành phố đã hình thành được Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi về môi trường thu hút đầu tư và khởi nghiệp của sinh viên, học sinh, nhà đầu tư nước ngoài. Khu công nghệ cao trở thành đầu tàu trong thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố.

 

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, nhờ đó, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh cả về số lượng DN và quy mô vốn. Năm 2016, TP Hồ Chí Minh có hơn 36.500 DN thành lập mới, tăng 15,87% về số lượng DN và tăng 42,18% về vốn đăng ký. Năm 2017, thành phố có 40.870 DN thành lập mới, tăng 15,1% về số lượng DN và tăng 200% về vốn đăng ký. Ngoài ra, có 3.770 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN.

 

Tuy vậy, trong quá trình phát triển, TP Hồ Chí Minh cần phải tập trung tháo gỡ những rào cản làm ảnh hưởng sự tăng trưởng bền vững. Công tác dự báo, đánh giá tác động và ứng phó với các thách thức trong hội nhập quốc tế chưa đầy đủ, chính xác; cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội yếu; công tác tổ chức thực hiện quy hoạch triển khai chậm. Thành phố vẫn chưa hoàn thành việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017-2020 khiến việc đánh giá năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh đa chiều…

 

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững, thành phố sẽ tập trung phát triển dựa vào nội lực, các hoạt động kinh tế sẽ dựa trên nền tảng tri thức và công nghệ. Thành phố sẽ thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; tiếp tục tập trung nâng cao năng suất lao động và tăng tính cạnh tranh cho lực lượng lao động; chú trọng nhiều hơn vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo không gian bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, phát triển.

 

Thời gian tới, thành phố vừa chú trọng hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các DN lớn, các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả, tích cực; đồng thời, phát huy tốt vai trò, động lực của thành phố trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng Ðông Nam Bộ để tiếp tục khẳng định vị thế "đầu tàu" kinh tế của đất nước.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang