Chủ Nhật, 24/11/2024 13:54:42 GMT+7
Lượt xem: 1014

Tin đăng lúc 30-09-2020

Nâng cao hiệu quả trong công tác chống gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới, đặc biệt là chúng ta đã ký kết và đang thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do, điều này mang đến nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt nhưng cùng với đó là các hành vi gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa cũng ngày càng gia tăng và phức tạp hơn.
Nâng cao hiệu quả trong công tác chống gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa
Các hành vi gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp hơn

 

Trước đây, các hành vi gian lận chủ yếu nhằm vào các loại C/O ưu đãi để hưởng chênh lệch thuế, hiện nay, trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều, gian lận thương mại chuyển sang cả loại hình C/O không ưu đãi nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Do bối cảnh thương mại ngày càng phức tạp và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng ngày càng nhiều nên hành vi gian lận thương mại cũng nhiều hơn, phức tạp và tinh vi hơn.

 

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm khi phối hợp với EU trong công tác chống gian lận xuất xứ, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Bộ Công Thương) cho biết, đối với các cơ quan Hải quan nước ngoài khi sang Việt Nam kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, thông thường sẽ thực hiện các bộ hồ sơ kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa qua giấy gồm các bước sau:

 

Thứ nhất, đề nghị đưa ra các bộ câu hỏi tùy thuộc vào mặt hàng đang được yêu xác minh (cơ quan cấp C/O tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hiểu thế nào về tiêu chí xuất xứ của một mặt hàng nhất định?). Ví dụ tiêu chí xuất xứ của chiếc micro có xuất xứ Việt Nam là gì? Nguồn nguyên liệu sản xuất từ đâu?

 

Thứ hai, đề nghị kiểm tra các nguồn nguyên liệu đầu vào và mô tả quy trình sản xuất bằng tiếng Anh.

 

Ví dụ, tại các cuộc kiểm tra của Hải quan các nước EU tại Khu Công nghiệp Bình Dương, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, thời điểm đề nghị cấp C/O không phải mô tả quy trình sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan nước ngoài bắt buộc phải mô tả quy trình sản xuất bằng tiếng Anh gây khó dễ cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan nước ngoài có thể từ chối ưu đãi nếu doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được hàng hóa có xuất xứ.

 

Để nâng cao hiệu quả trong công tác chống gian lận xuất xứ, Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác cảnh báo bằng việc đưa ra những danh mục mặt hàng có nguy cơ.

 

Với danh mục đó, cơ quan quản lý sẽ chú trọng, thậm chí phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi cấp C/O. Tuy nhiên, không thể 100% hồ sơ doanh nghiệp đến, cơ quan quản lý đều có thể tiến hành kiểm tra được nên phải quản lý rủi ro, phân luồng... Bộ luôn cố gắng rà soát kỹ tiêu chí để làm sao cảnh báo đúng mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm có nguy cơ rủi ro gian lận xuất xứ, không cảnh báo tràn lan, tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu và không tiếp tay cho hành vi gian lận đó, phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn gian lận.

 

Về dài hơi hơn nữa là giải pháp liên quan đến công tác sản xuất, làm sao nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước để đảm bảo tiêu chí xuất xứ và tránh bị đánh thuế chống lẩn tránh. Ngoài ra, công tác tăng cường kiểm tra, tăng cường hậu kiểm vẫn là biện pháp quan trọng tiếp tục được triển khai.

 

Minh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang