Cụ thể, ngày 06/8, công suất lớn nhất đạt 1.406 MW công suất đã thực hiện tiết giảm, tăng 160,3 % so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 là 887 MW); Sản lượng điện trong ngày 06/8 là 28.620.893 kWh, tăng 162,29% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 là 17.855.455 kWh).
Trước đó, ngày 05/8, công suất lớn nhất đạt 1.401 MW, sản lượng điện tiêu thụ là 27,957 triệu kWh; ngày 04/8 công suất lớn nhất đạt 1.362 MW, sản lượng điện tiêu thụ là 27,584 triệu kWh.
Nắng nóng cao điểm nhất từ đầu tháng 8, một số nơi nhiệt độ có thể lên đến 39-40 độ C. Nắng nóng kéo dài làm tiêu thụ điện sinh hoạt tăng rất cao, phần lớn do sử dụng nhiều thiết bị làm mát. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.
Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện, nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng so với bình thường.
Theo tính toán cụ thể của chuyên gia kỹ thuật điện, trong thời điểm nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hòa gia đình có thể chiếm tới 60-70% tổng lượng điện năng tiêu thụ. Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khi bật điều hòa chỉ nên đặt ở mức 27 độ C và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa bảo đảm đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong các hộ gia đình, Công ty Điện lực Hải Phòng tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 - 15h00, buổi tối từ 20h00 - 23h00. Đồng thời, chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Vũ Duyên