Một nhóm sinh viên ĐH công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã chế tạo thành công mô hình máy nén rác hữu cơ tự động sử dụng trong gia đình, giúp giải quyết vấn đề rác thải, môi trường tại chỗ. Điều này sẽ giúp các đơn vị thu gom rác bớt đi một phần việc. Mặt khác, rác hữu cơ sau khi nén chặt sẽ trở thành một loại phân bón sinh học cho cây trồng.
Sản xuất "bánh" rác từ trong nhà bếp
Mô hình của nhóm xuất phát từ thực tế, lượng rác hữu cơ trong quá trình vận chuyển đến nơi tập kết thường bốc mùi, rỉ nước gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Tại cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka vừa tổ chức mới đây, Phan Đặng Trùng Dương và các thành viên trong nhóm đã đưa ra sản phẩm chiếc “bánh” rác sau khi nén, hoàn toàn khô ráo, không mùi. Dương khẳng định, những chiếc “bánh” này hoàn toàn có thể dùng bón phân cho cây trồng.
Cơ chế hoạt động của mô hình máy nén rác hữu cơ tự động dựa vào nguyên tắc ép thủy lực. Người sử dụng sẽ đưa rác vào khoang ép. Sau đó, hệ thống nén sẽ nét chặt rác để rút hết lượng nước thải có trong rác.
“Khi máy hoạt động, lượng nước thải sẽ được chuyển xuống một khoang chứa. Tại đây, nước thải sẽ trải qua 3 tầng lọc trước khi thải ra môi trường. Vì thế, sản phẩm của nhóm hoàn toàn thân thiện với môi trường” - Huỳnh Tấn Long, thành viên nhóm chia sẻ.
Đặc biệt, máy nén rác có thiết kế phù hợp để đặt trong gian bếp gia đình. Quy trình hoạt động của máy hoàn toàn tự động và không tạo ra mùi trong quá trình xử lý rác thải.
Bên trong khoang nén của mô hình máy nén rác.
“Với dung tích của khoang nén rác 20x20x30 (dài, rộng, cao), thì hệ thống có thể nén khối lượng rác sử dụng trong 2 ngày cho hộ gia đình khoảng 4 người thành một bánh” - Long chia sẻ.
Hoàn toàn có triển vọng ứng dụng
Trước khi thực hiện hệ thống, nhóm nghiên cứu đã làm một cuộc khảo sát ở 10 hộ gia đình trong một chung cư ở khu vực Thanh Đa (Quận Bình Thạnh, TP.HCM). Khi thực hiện khảo sát về nhu cầu sử dụng máy nén rác, nhiều gia đình tỏ ra e ngại vì chi phí đầu tư cho máy nén rác khá cao, vào khoảng 2 - 3 triệu đồng.
“Các gia đình tỏ ra e ngại vì vấn đề kinh tế, và chưa nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường khi sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, nhóm đặt ra vấn đề lượng phân bón sau khi ép rác thành công sẽ có đơn vị thu mua thì nhiều gia đình tỏ ra đồng tình” - Long chia sẻ.
Phan Đặng Trùng Dương, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ nếu có thể hợp tác với các với các trang trại mua các “bánh” rác làm phân bón thì vấn đề thu hồi vốn đầu tư ban đầu và biến máy nén rác thành công cụ kiếm tiền là hoàn toàn khả quan.
Vấn đề trăn trở lớn nhất của nhóm là sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mô hình
Tuy nhiên, vấn đề này với nhóm vẫn còn là bài toán nan giải khi sản phẩm mới dừng lại ở mô hình. Vì tất cả thành viên nhóm đều là sinh viên kiến trúc, khả năng gia công cơ khí, thiết kế điện tử để tạo ra một hệ thống tự động còn hạn chế.
“Nhóm gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các chi tiết về cơ khí trong bản vẽ. Nhiều lần hàn cắt kim loại bị sai số so với bản vẽ nên phải bỏ đi để làm lại” - Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Th.s KTS Nguyễn Thanh Tân, Trưởng bộ môn kiến trúc, ĐH công nghệ TP.HCM, sinh viên có thể hợp tác với các doanh nghiệp, chuyên gia về cơ khí và tự động hóa để làm sản phẩm thì hoàn toàn có thể thương mại hóa.
“Ngoài ra, sản phẩm cũng nên chú ý đến tính thẩm mỹ. Vì nếu để một hệ thống xử lý rác trong nhà thì cần phải có thiết kế phù hợp với tổng thể trong không gian bếp và mang lại sự tiện dụng cho người dùng” - thầy Tâm cho hay.
Mô hình máy ép rác hữu cơ tự động đã giành giải ba cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2017.
Nguồn Khám Phá