Não có những công việc chỉ được tiến hành khi ngủ, quan trọng nhất là xóa bớt thông tin bởi nếu lưu trữ hết, não chúng ta sẽ phải phát triển thành khổng lồ mới đủ chỗ chứa.
Mất 680 tỷ USD mỗi năm vì thiếu ngủ
Nhiều người cho rằng, ngủ dường như là một hoạt động lãng phí thời gian. Năm 1998, Giáo sư Allan Rechtschaffen - Đại học Chicago (Mỹ) - đã viết, khi chìm vào giấc ngủ “chúng ta không sinh sản, không bảo vệ hoặc nuôi dưỡng con cái, không kiếm tiền, không làm việc...”, nghĩa là chúng ta “tắt” các giác quan và không chú ý đến trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, có thêm thời gian tỉnh táo không có nghĩa là chúng ta làm được nhiều việc hơn. Tổ chức Tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận của Mỹ - RAND - tiết lộ, Mỹ, Canada, Anh, Đức và Nhật Bản đã mất tổng cộng 680 tỷ USD mỗi năm do thiếu ngủ (về mặt kỹ thuật, người lớn ngủ ít hơn hơn 7giờ/đêm là thiếu ngủ). Và theo tờ Guardian (Anh), khoảng một nửa dân số thế giới ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm.
Khi không ngủ, chúng ta không ngừng cập nhật các thông tin mới, các tế bào thần kinh kết nối với nhau, gọi là các khớp thần kinh. Khi ngủ, chính các tế bào thần kinh này sẽ kiểm tra các khớp thần kinh đã thực hiện ngày hôm trước (thậm chí trước đó 2-3 ngày nếu chúng ta đã học được điều gì trong thời gian đó). Sau đó, nó quyết định điều gì là quan trọng và ngược lại. Nghĩa là, bộ não không hề nghỉ ngơi ngay cả khi ta đang ngủ.
Chiara Cirelli - nhà tâm thần học tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ - cho biết: "Tất cả bộ não đều hoạt động khi chúng ta ngủ". Đầu năm nay, Cirelli và cộng sự đã ông bố nghiên cứu dựa trên việc phân tích hình ảnh não chuột cho thấy, khi ngủ, bộ não của chúng xem xét lại một số kết nối thực hiện trong ngày, “cắt xén” bớt và chỉ giữ lại những kết nối cần thiết cho sau này. Các khớp thần kinh có liên quan đến ký ức (ví dụ ở người là tài liệu đang nghiên cứu hay cuộc nói chuyện với người thân) được lưu giữ và đôi khi được nhấn mạnh.
Sẽ là phi đạo đức nếu tiến hành phẫu thuật não để nghiên cứu chức năng này trên người. Tuy nhiên, Cirelli tin rằng, quá trình tìm thấy ở chuột cũng diễn ra trong bộ não của những loài khác. Các khớp thần kinh mạnh cần rất nhiều năng lượng và cả không gian vật lý để duy trì. Nếu chúng ta lưu trữ tất cả các khớp thần kinh được xây dựng, não sẽ lớn hơn hộp sọ rất nhiều.
Cần thay đổi quan điểm về giấc ngủ
Giấc ngủ còn có những lợi ích khác, như cung cấp cho cơ và các cơ quan cơ hội nghỉ ngơi. Về lý thuyết, cơ và các cơ quan có thể nghỉ khi chúng ta có thời gian thư giãn vật lý. Tuy nhiên, trên thực tế, giấc ngủ qua đêm là cơ hội duy nhất để chúng ta “sạc” năng lượng một cách chậm rãi và đầy đủ.
Giấc ngủ có nhiều ích lợi mà con người chưa hiểu hết bởi các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu bằng cách yêu cầu người tham gia tỉnh táo trong thời gian dài hơn (giữ tỉnh táo cả khi buồn ngủ).
Các nghiên cứu mà người tham gia không ngủ trong 1-2 ngày cho thấy, tình trạng thiếu ngủ gây tổn thương sức khỏe như tăng huyết áp và đường huyết, gây rối loạn tâm trạng. Với nghiên cứu trên chuột, chúng sẽ chết nếu không ngủ trong 11 ngày. Thí nghiệm tương tự không được thực hiện trên người nên không thể biết giới hạn gây tử vong là bao nhiêu, nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định, thiếu ngủ có thể là nguyên nhân gây tử vong gián tiếp, chẳng hạn ngủ gật trong lúc lái xe và gây tai nạn.
"Ngủ có một chức năng quan trọng đối với sự sống của con người và các loài khác ngay cả khi chúng ta chẳng biết được chức năng đó cụ thể là gì" - Nadine Gravett - nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi - nói.
Nghiên cứu gần đây của Viện Công nghệ California, Mỹ phát hiện loài sứa lộn ngược có tên Cassiopea (rất ít di chuyển, thích sống ở những vùng nước ấm và nông như các bãi lầy) luôn ở tình trạng ngủ đang ngủ dù chúng không có não, các tế bào thần kinh chạy suốt cơ thể. Việc chúng luôn có vẻ như đang ngủ chứng tỏ giấc ngủ quan trọng đến nỗi hầu hết các dạng sống cơ bản đều cần.
Tại sao chúng ta không ngủ đủ? Matthew Walker - Giám đốc Trung tâm Khoa học về giấc ngủ ở người, Đại học California - Berkeley (Mỹ) - cho rằng văn hóa là nguyên nhân chủ yếu. Năm 2017, trên phần lớn của Trái đất, bộ não con người bị ánh sáng đánh lừa và tin rằng thời gian tỉnh giấc dài hơn so với tự nhiên. Con người hiện đại cũng dễ tiếp cận các chất kích thích như caffeine để tạm thời giảm buồn ngủ.
Ông Walker cho rằng vì phải chạy theo công việc và cuộc sống xã hội, chúng ta đã đánh đồng giấc ngủ với sự lười biếng. Chúng ta muốn trở nên bận rộn và chứng minh bằng cách thổ lộ rằng mình đã ngủ ít như thế nào. Giải pháp là thay đổi quan điểm về giấc ngủ, coi đó là nghĩa vụ phải làm.
Nguồn Khoahocphattrien