Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:56:31 GMT+7
Lượt xem: 2247

Tin đăng lúc 27-04-2020

Ngẫm lịch sử qua những bức tranh

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn là một đề tài lớn của văn học nghệ thuật nước nhà nói chung và mỹ thuật nói riêng. 45 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975 nhưng cảm xúc về sự kiện vĩ đại ấy vẫn được lưu giữ nguyên vẹn qua nhiều bức họa.
Ngẫm lịch sử qua những bức tranh
Dân quân gái Ngư Thủy - tranh sơn mài của Hoàng Trầm.

Chùm tác phẩm đặc sắc mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa giới thiệu trên website vnfam.vn và fanpage của Bảo tàng có thể coi là những trang sử sinh động bằng hội họa bởi ở đó có đầy đủ những cung bậc cảm xúc.

 

Thông qua từng bức họa, người xem như được trở về những năm tháng lịch sử của đất nước. Hãy bắt đầu từ hình ảnh những người vợ, người mẹ miền Nam tiễn chồng, con tập kết ra miền Bắc, hay những người mẹ nuôi quân trong kháng chiến, làm hậu phương vững chắc như tác phẩm Nắm đất miền Nam của Phạm Xuân Thi, Trái tim và nòng súng của Huỳnh Văn Gấm... để thấy được nguồn cảm hứng lớn lao về người mẹ trong bóng hình đất nước. Đó là khởi nguồn của yêu thương, của sự che chở, của tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh thần thánh cho cuộc kháng chiến. 

 

Nói về đề tài này, phải kể đến bức sơn mài Mẹ kháng chiến của Nhà giáo Nhân dân - họa sĩ Hoàng Trầm (Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt I năm 2001), tác phẩm đoạt Giải A tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Bức tranh giống như hình ảnh cắt ngang một căn hầm bí mật mà ở đó, người mẹ miền Nam cùng cô con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ vật sinh hoạt quen thuộc như chiếc làn đỏ, chai nước, cặp lồng cơm, chiếc mền kê chân... Không nhiều chi tiết nhưng tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến.

 

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến đánh giá: “Hình ảnh được gợi tả trong tác phẩm là hình ảnh quen thuộc trong những năm chống Mỹ. Các chiến sĩ hoạt động trong vùng tạm chiếm với sự che chở của nhân dân. Người mẹ ngẩng cao đầu vững vàng, bàn tay mẹ cùng bàn tay người con gái đặt nhẹ vào chỗ bị thương nơi bắp chân được quấn băng trắng của anh chiến sĩ. Những ánh mắt giao nhau đầy cảm thông cùng sự khuyến khích, an ủi. Bức tranh với bút pháp thô khỏe, mộc mạc, nội dung giản dị nhưng gây xúc động, gợi không khí kháng chiến thời kỳ trước”.

 

 

Tải đạn - tranh sơn khắc của Lê Thanh Trừ.

 

Còn hình ảnh những cô gái, chàng trai tuổi thanh xuân hăng hái tham gia dân quân, du kích, vận chuyển đạn dược, cầm súng bảo vệ quê hương với ý chí sắt đá kiên cường giống như sóng trào mạnh mẽ của tinh thần yêu nước. Sức trẻ, sự quả cảm của họ được khắc họa sinh động qua loạt tác phẩm như Dân quân gái Ngư Thy của Hoàng Trầm, Bên chiến hào Vĩnh Linh của Đào Đức, Ti đạn và B đội v của Lê Thanh Trừ, Đất này ca t tiên ta của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Qua Dc Miếu của Lê Quốc Lộc, Trên chng đường chiến dch của Nguyễn Thanh Châu...

 

Tiêu biểu cho những tác phẩm phản ánh sống động cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của phụ nữ Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ phải kể đến bức tranh sơn mài Trái tim và nòng súng của cố họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (1922 - 1987), một trong những cánh chim đầu đàn của Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Như nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét: “Huỳnh Văn Gấm đã đem đến cho hội họa sơn mài Việt Nam một hiệu quả phi thường của nghệ thuật diễn tả ánh sáng tập trung và khối nổi - khả dĩ ứng dụng trên những bố cục quy mô hoành tráng, có sức chuyển tải những chủ đề tư tưởng lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.

 

Không né tránh sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng vượt lên tất cả trong những bức tranh là vẻ đẹp yên bình, lãng mạn của quê hương đất nước giữa những khoảng lặng của cuộc chiến, trong tình quân dân ấm áp. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh của dân tộc để rồi thắng lợi đến như điều tất yếu. Khoảnh khắc đoàn quân giải phóng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, mang theo nắng xuân rực rỡ - ánh sáng của Đảng soi rọi trên rừng cờ đỏ sao vàng thể hiện qua tác phẩm Nắng xuân 1975 của Nguyễn Quang Thọ và Nắng tháng năm của Quách Phong là sự kết tụ, vỡ òa niềm vui chiến thắng. Niềm hạnh phúc vô bờ và xúc cảm sâu sắc của người nghệ sĩ trong ngày vui giải phóng chảy tràn lên mặt tranh, lan tỏa trong người xem...

 

Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm tranh nhân kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã được bảo tàng lên kế hoạch từ lâu, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bảo tàng đã đưa những tác phẩm này lên website nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng. Đây cũng là dịp để hồi tưởng về một chiến công oanh liệt trong lịch sử, thể hiện tình cảm, tấm lòng biết ơn của thế hệ hôm nay trước thế hệ cha ông đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Hy vọng những tác phẩm nghệ thuật này sẽ đem đến cho người xem ấn tượng tốt đẹp, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng và để lại trong mỗi chúng ta niềm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng.

 

Theo Báo Hà Nội Mới


 

 

Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang