Thứ Sáu, 22/11/2024 11:22:38 GMT+7
Lượt xem: 10632

Tin đăng lúc 26-10-2017

Ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh gas trái phép

Thời gian gần đây, trên thị trường gas ở Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước đã liên tục xuất hiện các bình gas giả được bán ra thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang, còn doanh nghiệp sản xuất gas uy tín thì khốn đốn với những chiêu trò ăn cắp của các công ty làm gas lậu.
Ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh gas trái phép
Ảnh minh họa

Với thủ đoạn “cắt tai, mài vỏ”, sang chiết gas trái phép, trong đó, hình thức được sử dụng nhiều nhất đó là tình trạng thu gom các loại bình gas của những thương hiệu khác đưa về “cải hoán” lại bằng cách mài mòn tên hãng gas in trên vỏ bình, mông má lại sau đó gắn tên công ty mình lên đó để cung cấp cho người tiêu dùng. Hình thức gian lận này đã dẫn tới tình trạng người tiêu dùng phải mua “vỏ một đường, ruột một nẻo”.

 

Một vụ việc vừa được phát hiện gần đây, tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã tạm giữ một chiếc xe tải mang BKS: 89C–122.19 chở 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà có dấu hiệu vi phạm. Thời điểm kiểm tra, toàn bộ số vỏ bình gas này không còn nguyên vẹn, có dấu hiệu bị hủy hoại, các bình gas đều đã bị tháo bỏ van bình. Ngay sau đó, cơ quan quản lý đã lập biên bản đồng thời thu giữ hàng trăm vỏ gas lậu.

 

Chỉ tính riêng các doanh nghiệp ở Hiệp hội Gas Hà Nội, mỗi năm bị mất hơn 1 triệu chiếc bình, tương đương với con số bình gas được làm giả và tung ra thị trường. Còn đối với các công ty ăn cắp bình không mất chi phí sản xuất vỏ, hoặc mất một chi phí rất thấp nên giá gas đưa ra thị trường rẻ hơn, chiết khấu cho các đại lý cao hơn nên ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.

 

Về phía người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho các doanh nghiệp sản xuất gas trái phép vì có thói quen sử dụng gas chỉ quan tâm đến giá cả mà không để ý đến thương hiệu. Đôi khi, người tiêu dùng quá tin tưởng vào các đại lý gas nên được chở tới bình nào thì sử dụng bình đó. Chỉ cần rẻ hơn từ 10- 20 nghìn đồng là họ sẵn sàng sử dụng mà không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ. Các doanh nghiệp kinh doanh bằng hình thức "ăn cướp" nắm bắt được tâm lý, thói quen này của người tiêu dùng để tìm kiếm, lừa đảo khách hàng.

 

Việc sử dụng bình gas không chính hãng rõ ràng sẽ ngây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Khi bình bị bào mòn, thay tai, thay đế sẽ không đảm bảo chất lượng rất dễ dẫn tới nguy cơ cháy nổ. Hầu hết những chiếc bình bị chiếm dụng 100% đều là bình không được kiểm định nguồn gốc xuất xứ, được chiết lậu, trốn thuế khi bán ra thị trường.

 

Theo Hiệp hội Gas Hà Nội và một số đơn vị kinh doanh gas miền Bắc, tình trạng “cắt tai, mài vỏ” sang chiết gas lậu là thực tế nhức nhối nhiều năm nay. “Nạn thu gom, sang chiết bình gas đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng mà hậu quả không lường hết. Không những vậy, hành vi này còn gây thất thu thuế cho nhà nước và ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, đại diện Hiệp hội Gas Hà Nội nói.

 

Vì thế, để vấn nạn “cắt tai, mài vỏ” bình gas không còn đất sống, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia vừa đề nghị kiểm tra tình trạng chiết nạp gas lậu; chiếm giữ trái phép vỏ gas khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của các thương hiệu tại các địa phương. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ mình. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Chỉ thị số 13⁄CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh LPG, góp phần ổn định thị trường.

 

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội gas Việt Nam, các cơ sở kinh doanh LPG, các đơn vị thuộc Bộ tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG; kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ thì xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. 

 

Hy vọng rằng, với những chế tài phù hợp cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng sẽ đẩy lùi các hành vi gian lận trong kinh doanh gas, nhằm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng và sự uy tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Hồng Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang