Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; doanh nghiệp nội địa yếu và thiếu kết nối với chuỗi sản xuất toàn cầu; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ... Đây là những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Về khách quan, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Dự báo đầu tư toàn cầu trong năm 2020 có thể suy giảm tới 40% do dịch Covid-19. Vì thế, việc Việt Nam thu hút 19,54 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2020, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019 cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng tiêu cực, dịch Covid-19 cũng mang đến cơ hội, mà nếu tận dụng tốt, có thể giúp ngăn chặn đà suy giảm vốn đầu tư nước ngoài. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, gián đoạn sản xuất khiến các doanh nghiệp quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nhằm đa dạng hóa địa bàn đầu tư, tránh phụ thuộc vào một vài đối tác. Thực tế đó mở ra cơ hội cho Việt Nam đón dòng vốn đầu tư mới. Hiện, Việt Nam đang tập trung chuẩn bị các điều kiện, gồm: Rà soát quỹ đất, mặt bằng, nhà xưởng và các hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; phát triển công nghiệp hỗ trợ; thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế đối với hàng xuất khẩu. Đây là một lợi thế có thể tận dụng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đặt dự án sản xuất tại Việt Nam. Tuy vậy, để thu hút dòng vốn quốc tế có chất lượng cao còn cần thể hiện rõ sự minh bạch, tính nhất quán trong chính sách.
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 chỉ là yếu tố kích đẩy quá trình chuyển dịch địa điểm đầu tư trên toàn cầu diễn ra nhanh hơn. Để thu hút được dòng vốn dịch chuyển đó, chúng ta phải xác định được mục đích, yêu cầu của nhà đầu tư để thiết kế chính sách tương thích”, ông Nguyễn Đình Cung nêu vấn đề.
Từ góc nhìn của đối tác, ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, với một số thế mạnh như dân số trẻ, thị trường nội địa lớn và phát triển nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn. Đầu tư vào Việt Nam còn tận dụng được khoảng cách địa lý gần các trung tâm kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Được biết, hiện có một số dự án quy mô rất lớn, đến hàng tỷ USD thuộc lĩnh vực năng lượng, dầu khí, bất động sản đang trong quá trình nghiên cứu khả thi, bàn thảo với cơ quan hữu trách. Vì vậy, nếu có sự chuẩn bị tốt, Việt Nam không chỉ ngăn được đà suy giảm mà còn có thể bứt phá về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Theo báo Hà Nội mới