Theo thống kê từ Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp (DN) chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% DN CNHT Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, hằng năm nước ta phải nhập khẩu hàng nghìn linh phụ kiện phục vụ cho các ngành CN lên tới hàng chục tỷ USD/năm, riêng ngành điện tử và ô tô đã lên tới 50-60 tỷ USD/năm. Đây là con số không nhỏ về nhu cầu các sản phẩm CNHT, đồng thời cũng là một thị trường hấp dẫn và tiềm năng cho các DN CNHT Việt Nam nỗ lực phát triển để có thể chiếm lĩnh được thị phần.
Tuy nhiên, những năm qua, thị trường này vẫn còn chưa được tận dụng vì sự thiếu hụt sản phẩm CNHT cũng như thiếu các DN Việt có năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này. Cả nước chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu DN Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, ngoài xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành CN này là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ cao. Đây lại là hai điểm yếu của DN Việt Nam, do DN vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho biết, dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, DN triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các DN FDI và DN Việt Nam nhưng sự liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI còn lỏng lẻo; nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác. Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển CN không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.
Cục Công nghiệp chỉ ra, trong những năm gần đây, các ngành CN chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP (giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành CN khác). Theo đại diện Cục Công nghiệp: “Phát triển CNHT, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững CN Việt Nam trong dài hạn”.
Kỳ vọng mới trong năm 2024
Là công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa và công nghệ, Công ty Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghệ Việt Nam (Intech Group), ông Hoàng Hữu Thắng – Chủ tịch HĐQT Intech Group đánh giá, năm 2023 là một năm rất khó khăn đối với Intech Group nói riêng và cộng đồng DN nói chung. Mặc dù, DN đã cố gắng gồng gánh để đảm bảo việc làm cho cán bộ công nhân viên, nhưng các đơn hàng bị sụt giảm rất nhiều cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó, có những dòng sản phẩm DN bị tụt giảm doanh thu từ 30 - 40%.
Sản xuất sản phẩm CNHT tại Công ty Cổ phần phụ tùng máy số 1
Theo đại diện DN, những khó khăn từ thị trường thế giới và trong nước đã được DN dự báo ngay từ cuối năm 2022. Công ty đã họp để có những đánh giá, đồng thời đưa ra các biện pháp để làm sao có thể hạn khó khăn, cố gắng ổn định công ăn việc làm, ổn định dòng tiền để hoạt động sản xuất kinh doanh được liên tục, cũng như vượt qua năm 2023 và đón cơ hội cho những năm tiếp theo.
Intech Group với mảng thị trường xuất khẩu trọng điểm là Nhật Bản, việc các DN Nhật Bản đang mở rộng đầu tư cũng như chuyển hướng sang làm ăn với các DN Việt Nam sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Intech Group. Việc của DN lúc này là nỗ lực nhằm đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn để làm sao tham gia được chuỗi cung ứng cũng như đáp ứng về sản lượng, chất lượng, của các đối tác Nhật Bản.
Tương tự, Công ty Ốc vít Brother Việt Nam là DN cung cấp các sản phẩm chất lượng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Tiến Thưởng, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2023 các mục tiêu kế hoạch mà DN đặt ra đạt được khoảng 85 - 90%.
Ông Nguyễn Tiến Thưởng chia sẻ: “Mọi năm, nhu cầu tiêu dùng trong nước khá cao, nhất là thời điểm tháng 8-10/2023 do đây là thời điểm bước vào năm học mới. Tuy nhiên, năm nay, sức mua giảm khá nhiều. Tuy nhiên, bước sang tháng 11-12/2023, thị trường khá tốt, đơn hàng bắt đầu quay trở lại khá nhiều”.
Có thể nói, năm 2024 là năm vẫn còn khó khăn nhưng chiều hướng thị trường sẽ tích cực hơn. Nhận định này được đưa ra dựa trên cơ sở đó là các chính sách của Chính phủ đã tháo gỡ cho DN, làn sóng FDI đổ vào Việt Nam gia tăng và với các DN, các đơn đặt hàng những tháng cuối năm 2023 đã gia tăng rõ rệt.
Ngoài ra, làn sóng các DN FDI, đặc biệt là các DN của Trung Quốc đang “đổ bộ” sang Việt Nam rất nhiều. Việc các DN FDI đầu tư tại Việt Nam tất nhiên sẽ tạo sự cạnh tranh cao hơn nhưng kèm theo đó là nhu cầu về sản phẩm sẽ cao hơn. Đó chính là cơ hội phát triển không thể tốt hơn dành cho ngành CNHT của Việt Nam.
Minh Phương