Vươn mình từ gian khó
Từ xí nghiệp hình thành những năm 1970, trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, khóa Việt - Tiệp đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu ngành khóa, tự hào là thương hiệu khóa duy nhất đạt “Thương hiệu quốc gia 2020”, nhiều năm liền đứng trong tốp đầu doanh nghiệp có sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Lương Văn Thắng cho biết: “Chúng tôi xác định giữ vững lòng tin người tiêu dùng bằng việc liên tục cập nhật công nghệ mới. Hiện, khóa Việt - Tiệp có hơn 200 sản phẩm khác nhau, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao”.
Tương tự, sau gần 6 thập niên phát triển, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã không ngừng đổi mới, vươn ra thị trường quốc tế. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng thông tin, Rạng Đông luôn dành 2% doanh thu để đầu tư các dây chuyền hiện đại và dành 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư phát triển tiềm lực công nghệ.
Qua 67 năm xây dựng và phát triển, công nghiệp của Hà Nội đã hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao. Hiện, công nghiệp Hà Nội đã phát triển trên 30 phân ngành với hàng nghìn loại sản phẩm. Đáng chú ý, các doanh nghiệp có sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực đều thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng, như vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử... Không dừng ở đáp ứng cho thị trường trong nước, các sản phẩm thế mạnh của Hà Nội đã tăng trưởng rất nhanh về giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, trong số các đơn vị có sản phẩm công nghiệp chủ lực, 12 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 15 doanh nghiệp lớn có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội đã chủ động duy trì sản xuất công nghiệp an toàn, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc ứng dụng các công nghệ mới gặp nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng chia sẻ, hiện các doanh nghiệp Hà Nội vẫn chủ yếu làm gia công, chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu, hệ thống phân phối sản phẩm nên chưa bền vững.
Để khắc phục những tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, cuối tháng 9-2020, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của kế hoạch nhằm thu hút sự tham gia của 100-120 doanh nghiệp, với khoảng 150-180 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố giai đoạn 2021-2025. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu...
Cùng với đó, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được ưu tiên; đồng thời, thành phố đôn đốc tiến độ xây dựng các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo sự liên kết với các địa phương trong Vùng Thủ đô.
Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2021 để các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu thương hiệu, kết nối giao thương...
Về phía doanh nghiệp, yêu cầu đặt ra là đầu tư về nhân lực, máy móc, công nghệ, sẵn sàng đón đầu cơ hội. Khi có đủ sức vươn, sản phẩm sẽ không chỉ là chủ lực của riêng Hà Nội, mà sẽ có sức dẫn dắt với nền kinh tế cả nước. Được đầu tư xứng tầm, Hà Nội sẽ có nhiều hơn sản phẩm công nghiệp chủ lực mang tính nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành sản xuất khác.
Theo Hanoimoi.com.vn