Thứ Năm, 21/11/2024 19:36:28 GMT+7
Lượt xem: 1746

Tin đăng lúc 15-07-2020

Ngành Công Thương Lạng Sơn: Nhiều giải pháp kích hoạt tăng trưởng 6 tháng cuối năm

6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì tương đối ổn định, còn hoạt động thương mại biên giới, XNK có sự sụt giảm đáng kể.
Ngành Công Thương Lạng Sơn: Nhiều giải pháp kích hoạt tăng trưởng 6 tháng cuối năm
Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn 6 tháng ước đạt 1.320 triệu USD, giảm 47,6% so với cùng kỳ

Theo số liệu của ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là đối với hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

Được biết, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tương đối ổn định, còn hoạt động thương mại biên giới, XNK có sự sụt giảm đáng kể.

 

Về chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 2,83% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,67%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,17%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 6,56%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,68%. Tuy nhiên, còn một số sản phẩm ước giảm so với cùng kỳ như: Xi măng, Gạch, Gỗ... do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.

 

Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn 6 tháng ước  đạt 1.320 triệu USD, giảm 47,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 640 triệu USD, giảm 52,9%; nhập khẩu 680 triệu USD, giảm 28,4%. Đối với các mặt hàng địa phương xuất khẩu ước đạt 42 triệu USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ.

 

Ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm nhìn chung vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 9.316 tỷ đồng, giảm 8,64% so với cùng kỳ.

 

Trước tình hình đó, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với những giải pháp cụ thể, trọng tâm.

 

Thứ nhất, tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các bộ công chức trong công tác tham mưu, theo dõi, quản lý trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2020 của của UBND tỉnh giao tại Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 17/01/2020.

 

Thứ hai, tham mưu, đề xuất giải quyết linh hoạt các vấn đề và khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động XNK, thương mại biên giới nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt đối với hoạt động của doanh nghiệp góp phần thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Tiếp tục tham mưu trong công tác phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường hội đàm, đàm phán, trao đổi... với các cơ quan có liên quan của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây để bàn, thống nhất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng xuất nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của hai bên.

 

Thứ ba, tăng cường theo dõi, chủ động nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, phối hợp giải quyết và kiến nghị kịp thời với cấp có thẩm quyền về các khó khăn của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp góp phần đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn và tạo điều kiện cho dự án thủy điện đang triển khai xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành.

 

Thứ tư, tiếp tục phối hợp với các ngành, UBND cấp huyện rà soát quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Thực hiện điều chỉnh, bổ sung cụm công nghiệp khi không còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, phấn đấu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đạt 70% trong năm 2020.

 

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án “Mô hình thí điểm tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với cây Quế và Rau, củ đặc sản an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”; nghiên cứu, đề xuất xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Chủ động phối hợp với UBND thành phố xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Tích cực triển khai thực hiện các Đề án khuyến công, các chương trình Xúc tiến thương mại theo kế hoạch đã được phê duyệt trong năm 2020.

 

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện tốt cơ chế một cửa với các lĩnh vực cấp phép của ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tiếp tục triển khai các đề án khuyến công quốc gia và địa phương năm 2020; các hoạt động thương mại điện tử và Sàn giao dịch thương mại điện tử...

 

Theo Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang