Sở dĩ có thể khẳng định như vậy cũng là bởi, thời gian qua, các hoạt động khuyến công đã góp phần quan trọng vào những thành tựu đáng khích lệ của ngành Công Thương Thái Bình.
Cụ thể, sau 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020) thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Thái Bình, tỷ trọng công nghiệp, thương mại trong GRDP tăng liên tục từ 29,61% năm 2016 lên 35,67% năm 2020. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá 14,3%/năm, tăng cao so với giai đoạn 2011 – 2015 (9,4%) vượt mục tiêu của Đề án tái cơ cầu ngành Công Thương và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Đáng chú ý, một số ngành công nghiệp đã phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, từng bước xây dựng thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất mặt hàng mới, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu…
Có được thành quả đó, cũng là nhờ ngành Công Thương Thái Bình luôn chủ động, tích cực trên mọi mặt công tác. Trong đó, Sở Công Thương Thái Bình đã luôn quan tâm, sát sao, chỉ đạo Trung tâm Khuyến công (TTKC) của tỉnh thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu rộng, lan tỏa rộng khắp, nổi bật là những nội dung sau:
Một là, TTKC đã tổ chức thành công nhiều đề án khuyến công quốc gia tại các huyện, xã trên địa bàn và có sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong việc thực hiện các đề án.
Hai là, TTKC thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các chương trình đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân tham gia tổ chức thực hiện các đề án, nhất là các cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ, hoặc phối hợp thực hiện với các tổ chức dịch vụ khuyến công.
Ba là, TTKC đã luôn chủ động trong việc tổ chức bộ máy hoạt động, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, con người, cũng như bố trí cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, phương tiện đủ mạnh để thực hiện các đề án. Cụ thể, trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và dạy nghề luôn đảm bảo đầy đủ các các điều kiện về thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, dấu nổi, dấu nhỏ để cấp chứng chỉ, chứng nhận. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia đào tạo, tập huấn tinh thông nghề nghiệp, hăng say nhiệt tình với công việc được phân công, đồng thời am hiểu luật pháp cũng như kiến thức xã hội…
Bốn là, TTKC luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu, khảo sát các ngành nghề cần đầu tư để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, huyện, thành phố.
Năm là, TTKC cũng thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, thống nhất trong và sau quá trình triển khai thực hiện các đề án để kịp thời khắc phục khó khăn, đánh giá, rút kinh nghiệm về thực hiện đề án. Từ đó làm bài học cho việc thực hiện đề án sau. Việc xây dựng định mức các khoản chi phí thực hiện đề án cũng phù hợp với các quy định của Nhà nước, phù hợp với giá cả thị trường và tình hình thực tế của địa phương.
Thời gian tới TTKC Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển các đề án sản xuất công nghiệp
Ngoài ra, TTKC còn chủ động kết hợp khai thác các nguồn cơ sở vật chất và các nguồn kinh phí khác của địa phương, của cơ sở công nghiệp nông thôn để thực hiện mọi đề án phát triển công nghiệp, thương mại...
Với nhiều hoạt động tích cực như vậy, nên những năm qua, hoạt động khuyến công của tỉnh Thái Bình đã thực sự đi vào cuộc sống, được triển khai đồng bộ, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, tác động tích cực đến việc phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Đặc biệt, Giai đoạn 2016-2020, TTKC đã triển khai thực hiện tốt 152 đề án khuyến công với tổng kinh phí 18.413,9 triệu đồng. Qua đó, các hoạt động khuyến công được thực hiện đã và đang góp phần huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo mục tiêu, định hướng của tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, hoạt động tích cực nói trên, ngành Công Thương Thái Bình vẫn còn có một số mặt tồn tại, hạn chế như: Việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp còn chậm; Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tuy đã có nhiều cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; Thu hút đầu tư còn hạn chế; Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng;…
Chính bởi vậy, tại Hội nghị chuyên môn quan trọng của tỉnh lấy ý kiến, đánh giá về Dự thảo Đề án phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Quang Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình tham dự và chủ trì Hội nghị đã nhấn mạnh, để phát huy những thành quả đạt được và khắc phục các mặt còn tồn tại thời gian qua, ngành Công Thương Thái Bình cần làm tốt hơn nữa mọi hoạt động chuyên môn. Trong đó, mục tiêu là đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu; nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Quán triệt tinh thần đó, thời gian tới, Sở Công Thương Thái Bình đã và đang chỉ đạo sát sao TTKC phát huy vai trò, năng lực của mình hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến công đang có hiệu quả tốt, nhằm phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Từ đó, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp - thương mại trong GRDP của tỉnh sẽ đạt trên 45%; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Hưng Hà