Trải qua 65 năm, cùng với ngành Công Thương cả nước, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã nối tiếp nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ, trong thời chiến cũng như trong thời bình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần cùng cả nước chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển như ngày nay.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua: “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”,“Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”..., cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Thanh Hóa vừa dũng cảm chiến đấu, vừa hăng hái thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những hình ảnh như: Đoàn xe đạp thồ tiếp lương trong chiến dịch Điện Biên Phủ; đoàn thuyền nam vận tải sông biển; Nhà máy điện Hàm Rồng trong mưa bom, bão đạn; Cửa hàng mậu dịch vùng sâu, miền núi... đã in sâu vào trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước.
Sau ngày 30/4/1975, Tổ quốc hoàn toàn thống nhất, đất nước ta bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh thì nhiệm vụ của ngành Công Thương là khẩn trương kiện toàn hệ thống sản xuất công nghiệp, cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, phục vụ công cuộc bảo vệ biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc và trao đổi hàng hóa với các nước XHCN, đảm bảo nhu cầu hàng hóa của nhân dân.
Trong thời kỳ đổi mới (nhất là giai đoạn 1996 - 2015) với phương châm “Hội nhập và phát triển”, ngành Công Thương Thanh Hóa đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công thương, nhờ đó đã tạo những bước tiến đột phá trong lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại trên địa bàn toàn tỉnh.
Giai đoạn 2010 - 2015: Giá trị sản xuất công nghiệp (GTXCN) tỉnh Thanh Hóa bình quân tăng 12,6%/năm. Đến năm 2015, GTSXCN đạt 56.240 tỷ đồng (giá SS 2010) tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Qui mô SXCN của tỉnh giữ vị trí đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ (TMLCHHBL) tăng bình quân 24,4% năm, đến năm 2015, đạt 61.394 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Qui mô thị trường nội tỉnh xếp thứ 13/63 tỉnh, thành trong cả nước; xuất khẩu tăng bình quân 31,4%/năm, năm 2015 đạt 1.480 triệu USD, tăng 3,8 lần so với năm 2010, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Ðến nay, tỉnh Thanh Hóa có 01 Khu kinh tế (KKT), 08 Khu công nghiệp (KCN) và 57 Cụm công nghiệp (CCN). Trong đó: KKT Nghi Sơn được xác định là một trong 5 KKT trọng điểm ven biển của cả nước, với hạt nhân là nhà máy lọc hóa dầu, cùng một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng như: Cảng biển, thép, nhiệt điện, xi măng... Hiện tại, KKT Nghi Sơn đã thu hút 141 dự án đầu tư trong nước và 8 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 97.094 tỷ đồng và 9.823,4 triệu USD.
Sản phẩm công nghiệp của Thanh Hóa gồm xi măng, đá ốp lát, điện sản xuất, đường, tinh bột sắn.... đang khẳng định thương hiệu trên thị trong nước và nước ngoài. Toàn tỉnh có 24 nghề truyền thống, 42 làng nghề, 155 làng nghề truyền thống đang hoạt động, trong đó đã có 23 nghề truyền thống; 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Hiện tỉnh có 141.218 cơ sở SXCN và dịch vụ thương mại, giải quyết việc làm cho 342.118 lao động.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Tuấn trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể lao động xuất sắc
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt được những kết quả khả quan. Năm 2015, đã có 100% số xã, với trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đã có 540/573 xã đạt tiêu chí về điện; 230/573 xã đạt tiêu chí về chợ. Kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ có bước phát triển theo hướng văn minh hiện đại với 433 chợ, 4 trung tâm thương mại, 26 siêu thị, 411 cửa hàng xăng dầu, 6 kho xăng dầu. Các cửa hàng thương mại dân doanh cũng ngày càng khang trang, hiện đại theo tốc độ đô thị hóa. Lực lượng Quản lý thị trường được quan tâm xây dựng; năm 2015 đã kiểm tra 5.399 vụ, xử lý 4630 vụ, thu nộp ngân sách 18,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ xử lý 1,37 tỷ đồng. Nhờ đó, văn minh thương mại được củng cố, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh con người xứ Thanh thân thiện trong mắt bạn bè, bạn hàng.
Ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của ngành Công Thương Thanh Hóa, Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhiều năm liền được Bộ Công Thương tặng Cờ thi đua xuất sắc, dẫn đầu các đơn vị trong Ngành Công Thương Việt Nam.
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020, trong thế đòi hỏi của sự phát triển mạnh mẽ, Ngành Công Thương phấn đấu GTSXCN tăng bình quân 21,9%/năm; tổng mức LCHHBL tăng bình quân 23,3%/năm; xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2 tỷ USD trở lên. Đây là một thách thức rất lớn với ngành Công Thương. Song với truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự quan tâm lãnh đạo sâu sắc của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ và phối hợp quan trọng của các ngành, các cấp trong tỉnh, của Sở Công Thương các tỉnh bạn, toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Thanh Hóa quyết tâm đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, nỗ lực phấn đấu, vượt khó, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đẩy mạnh quản lý nhà nước, đồng hành cùng doanh nhân, cùng cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn sẽ tạo nên sức bật mới, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển theo hướng bền vững, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Xuân Trường