Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2016 ngành da giày đạt 16,2 tỷ USD kim ngạch XK, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 23,6% năm 2014 và 16% năm 2015.
Mỹ vẫn là thị trường XK chính của các doanh nghiệp (DN) trong ngành với trên 4 tỷ USD, chiếm 35,1% tỷ trọng. Tiếp đến là thị trường EU với hơn 3,72 tỷ USD, chiếm 31,7% tỷ trọng.
Khối Đông Á là thị trường XK có sức tăng trưởng nhanh của sản phẩm da giày Việt và chỉ đứng sau Mỹ, EU. Cụ thể, Nhật Bản tăng 20%, Trung Quốc tăng 11,8%, Hàn Quốc tăng 9,3%, Đài Loan 94,6%... Tổng kim ngạch XK sang thị trường này đạt 2,604 tỷ USD.
XK của ngành sang thị trường ASEAN năm vừa qua lại không ổn định. Từ ngày 1/1/2016, thuế sản phẩm da giày, túi xách lưu thông nội khối đã về 0%, đi kèm với đó là các hàng rào phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng. Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng đã có một số chính sách tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường cho DN các nước thành viên. Tuy nhiên, XK của ngành da giày Việt Nam sang thị trường này chỉ tăng 1,7%, trong đó XK sang Singapore tăng 2,1%, Malaysia tăng 16% nhưng XK sang Indonesia giảm 3%, Thái Lan giảm 10%, Philippines giảm 2%.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), khối DN FDI đóng góp tới 80,8% trong tỷ trọng XK toàn ngành. Mức đóng góp này tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2013, khối DN này chiếm 75% tỷ trọng, năm 2015 tăng lên 78% và năm 2016 chiếm 80,8%. XK của khối DN FDI liên tục tăng cao là do các DN tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do.
Trái ngược với sức tăng trưởng từ khối DN FDI, XK của các DN trong nước có xu hướng giảm, năm 2013 chiếm 25% tỷ trọng, năm 2015 giảm còn 21,4%, năm 2016 còn 19,2%. Nguyên do, khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến DN trong nước chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, yếu sức cạnh tranh.
Theo Lefaso, năm 2017 các chuyên gia quốc tế dự báo kinh tế thế giới có xu hướng khởi sắc hơn năm 2016. Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn. Vì vậy, có khả năng một số đơn hàng gia công sẽ chuyển dịch về Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào đầu năm 2018 với ưu đãi thuế quan hấp dẫn cũng sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư.
Với những thuận lợi trên, dự kiến sản xuất và XK da giày năm 2017 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016. Chỉ số sản xuất của ngành dự kiến dạt 5%, kim ngạch XK đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10%.
Nguồn Báo Công Thương